Rất nguy hiểm nếu chờ vắc xin dịch vụ

09:46 | 10/03/2015
Do tâm lý e ngại chất lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia nên nhiều gia đình đã đổ xô chọn vắc xin dịch vụ để tiêm cho trẻ. Đây chính là lý do khiến nhiều tháng nay tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ diễn ra trầm trọng.

Trước dự báo, thời gian tới tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ phòng một số bệnh như ho gà, bạch hầu, sởi-rubella, thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha, mẹ nên cho trẻ tiêm đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vật vã tìm vắc xin

Đã 3 tuần nay với hàng chục cuộc điện thoại, 2 lần đến trực tiếp các điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn Hà Nội xếp hàng đăng ký tiêm cho con, chị Nguyễn Thị Hà Phương (Cầu Giấy) vẫn không thể tiêm được mũi vắc xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) cho con trai 7 tháng tuổi. Trước đó, chị đã cho con đăng ký và tiêm hai mũi dịch vụ tại điểm tiêm chủng trên phố Trần Bình nhưng cho đến nay, sau gần 2 tháng đăng ký con chị vẫn không có vắc xin để tiêm. Thẫn thờ vì vừa xếp hàng từ sáng sớm nhưng lại được nghe thông báo hết vắc xin, chị Phương ái ngại cho biết,so với lịch tiêm khuyến cáo, cháu bị tiêm chậm cả tháng. Cứ tình hình này có khi phải đưa cháu đến điểm tiêm chủng ở phường tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cùng tâm trạng với chị Phương nhiều phụ huynh cũng cho biết, do khan hiếm vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” Infanrix Hexa nên nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ chỉ chấp nhận tiêm vắc-xin cho những trẻ đã đăng ký tiêm mũi đầu tiên chứ không nhận trẻ đến tiêm các mũi 2, 3. Tình trạng vắc xin chỉ được cung ứng nhỏ giọt, thậm chí trước nguy cơ cháy hàng vào thời điểm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành.

Theo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thì sớm nhất đến tháng 5 mới có 40.000 liều vắc xin  5 trong 1 Pentaxim được nhập về nhưng cũng chỉ đủ tiêm 3-4 ngày. Trong khi đó vắc xin  6 trong 1 Infarix Hexa dự báo trong năm nay sẽ không có hàng. Theo nhiều đơn vị nhập khẩu thì nhu cầu tiêm một số loại vắc xin dịch vụ thời gian gần đây tăng 3-4 lần. Dù các công ty đã lên kế hoạch dự trù nhưng nhà sản xuất không cung cấp đủ. Hiện Việt Nam nhập vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix Hexa nhâp của Bỉ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib.

Cục cho biết, vắc xin Pentaxim và Infarix Hexa đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin đều có thể nhập khẩu các loại vắc xin  này với số lượng và số lần nhập khẩu không hạn chế mà không cần giấy phép của Cục. Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin  5 trong 1 và 6 trong 1 trong thời gian này là không đủ.

Vắc xin  dịch vụ điều tiết theo cơ chế thị trường

TS Trần Đắc Phu cho biết: “Qua giám sát dịch bệnh thời gian vừa qua cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9-12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella nhưng lại không được tiêm vắc-xin sởi khi trẻ đến 9 tháng tuổi)”.

Trao đổi với báo giới, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt cho biết: Cục có nhận được thông tin từ nhà sản xuất, các vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắc xin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch.

Tuy nhiên theo ông Đạt, điều này không phải là điều quá lo ngại. Bởi thực tế, tại Việt Nam các  vắc xin có khả năng phòng bệnh tương tự như các vắc xin trên vẫn đang được tiêm miễn phí cho trẻ trên toàn quốc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia. Tất cả vắc xin trong chương trình đều được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn. Vì thế, nếu không đủ vắc xin dịch vụ, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tiêm vắc xin tương tự trong Chương trình TCMR.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu có hay không việc thiếu vắc xin dịch vụ là do thiếu chiến lược lâu dài, ông Đạt thẳng thắn nêu quan điểm: Chiến lược lâu dài của ngành y tế, của Chính phủ là các vắc xin trong Chương trình TCMR quốc gia bao phủ được tối đa các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được bằng vắc xin ở trẻ em. Tất cả các vắc xin trong chương trình TCMR luôn luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân. Về vắc xin tiêm dịch vụ, một lần nữa ông Đạt nhấn mạnh được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ về Việt Nam.  Khác với vắc xin trong chương trình TCMR được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu.

“ Vấn đề khó khăn ở chỗ, vắc xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng nên sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin” – ông Đạt giải thích thêm.

TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng để phòng bệnh cho trẻ sơ sinh thì việc tiêm vắc xin đúng lịch cho trẻ là hết sức quan trọng. Nó tạo được miễn dịch kịp thời, đầy đủ cho các cháu để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do tiêm chủng chậm. Riêng tại Hà Nội và TP HCM là do chờ đợi tiêm vắc xin - điều này rất nguy hiểm. “Chỉ cần chờ đợi 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Đặc điểm dịch tễ của một số bệnh hiện khác với trước kia. Cũng vì thế dịch sởi mới bùng phát tại Mỹ, Canada gần đây”, tiến sĩ Phu cho biết. Một lần nữa, ông Phu khuyến cáo, các bậc cha, mẹ nên cho trẻ tiêm đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

N. Huyền

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này