Luôn đặt an toàn lao động lên hàng đầu

11:27 | 10/12/2020
(LĐTĐ) Do đặc thù công việc, ngành Xây dựng Hà Nội luôn là ngành có tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về mất an toàn lao động. Tai nạn lao động không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động mà còn là gánh nặng cho người thân, gia đình họ. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp… còn có vai trò quan trọng của các cấp công đoàn. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, tiến tới đảm bảo an toàn lao động sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chú trọng nâng cao nhận thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động Sôi nổi hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội năm 2020 Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tập huấn về những điểm mới của Bộ luật Lao động

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Lặng thầm với công việc của mình, họ thức khuya dậy sớm, không quản nhọc nhằn, khó khăn, vất vả để gìn giữ cho phố phường luôn được sạch sẽ. Họ là những công nhân vệ sinh môi trường hay theo cách gọi khác là người công nhân lao công, những người mà công việc gắn liền với rác, bụi bặm và cả nguy cơ tai nạn giao thông, mất an toàn lao động.

Theo chị Nguyễn Thanh Vân, “Cây chổi vàng” của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, nghề của chị gặp rất nhiều khó khăn. Nào là định kiến của xã hội với nghề quét rác, nào là rủi ro nghề nghiệp như tai nạn giao thông khi lao động ngoài đường phố, nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và vô số rác thải độc hại.

Luôn đặt an toàn lao động lên hàng đầu
Hiện trường vụ tai nạn khiến công nhân môi trường tử vong tại đường dẫn cầu Nhật Tân ngày 1/12/2020. Ảnh: PV

“Là một công nhân vệ sinh môi trường làm việc ngoài đường cả ngày lẫn đêm, chúng tôi thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm trên đường phố, cách đây mấy năm ở tổ của tôi cũng có mấy chị em cũng bị người ta đâm vào nhưng may mà bị nhẹ nên không làm sao” – chị Vân tâm sự.

Quả thực, nỗi lo lắng của chị Vân cũng như nhiều công nhân môi trường khác là hoàn toàn có cơ sở khi môi trường làm việc trên đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mới đây nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 1/12/2020 tại chân cầu Nhật Tân xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe quét hút đường và xe cứu hộ.

Trong quá trình làm việc công nhân môi trường có trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, có bật đèn cảnh báo theo quy định, tuy nhiên tai nạn vẫn không may xảy ra. Theo ông Trần Văn Khải - Phó giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), địa điểm xảy ra tai nạn gần phía dưới chân cầu Nhật Tân hướng đi về sân bay Nội Bài. Xe BKS 29C - 224.44 thời điểm trên đang thực hiện nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường trên tuyến đường thì bị xe cứu hộ mang BKS 29C - 864.88 đâm vào đuôi xe quét hút.

Cú va chạm giữa hai xe đã dẫn tới hậu quả anh N.V.Đ là công nhân môi trường bị thượng nặng và được người dân đưa vào bệnh viện E cấp cứu. Tuy vậy, điều đáng tiếc vẫn xảy ra, mặc dù đã được gia đình, cùng các y bác sỹ của Bệnh viện E tận tình chăm sóc, cứu chữa. Song vì bị chấn thương quá nặng anh N.V.Đ công nhân môi trường đã không qua khỏi, tử vong sau đó.

Trước đó, vào đêm 22/4/2019, một người đàn ông say xỉn điều khiển ô tô Hyundai lưu thông trên đường Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) và xảy ra va chạm với 5 xe máy. Không dừng lại để giải quyết hậu quả, người này tiếp tục điều khiển xe chạy ra đường Tây Sơn rồi rẽ vào đường Láng. Khi đến trước cửa số nhà 220 đường Láng, chiếc xe đâm trúng chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977) là công nhân vệ sinh môi trường đang thu gom rác tại khu vực này khiến chị Hà tử vong tại chỗ.

Những vụ việc này cùng với hàng chục, hàng trăm vụ va chạm giao thông nhỏ lẻ khác càng khiến người công nhân môi trường cảm thấy lo lắng, bất an mỗi khi làm việc trên đường. Làm thế nào để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ người lao động khi làm việc trên đường là bài toán “đau đáu” đặt ra lúc này.

Đồng hành cùng người lao động

Theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO, công ty luôn xem văn hóa an toàn lao động là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp, song hành cùng sự phát triển của đơn vị. Do đó, trước hết đơn vị luôn ưu tiên trang bị bảo hộ an toàn lao động cho người lao động.

Hàng năm, khi công ty tổ chức may đo thì đều lấy ý kiến của người lao động và công đoàn là người gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến của người lao động từ đó đề xuất chuyên môn, ban lãnh đạo đơn vị nhằm nâng cao chất lượng tốt hơn. Mặc dù đã được trang bị đầy đủ phương tiện để đảm bảo an toàn, nhưng nỗi lo lắng thì vẫn luôn thường trực.

“Tính từ năm 1993 đến nay, công ty có 11 trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, thậm chí có những trường hợp bị tử vong. Chính vì vậy, hàng năm, nhất là vào tháng 5, tháng công nhân, tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, công đoàn công ty đều có các hoạt động để tổ chức tuyên truyền cho người lao động thực hiện đúng quy trình công nghệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông trong quá trình tác nghiệp” – bà Hạnh cho hay.

“URENCO Hà Nội luôn xác định người lao động là vốn quý của đơn vị, do đó, bảo vệ an toàn cho người lao động chính là bảo vệ hệ thống” – bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO Hà Nội.

Để giảm thiểu rủi ro cho công nhân trong lúc làm việc, Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO cho biết thêm, ngoài việc tăng cường trang bị bảo hộ lao động, mỗi năm, công ty tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra cho công nhân. Sau các chương trình tập huấn, tất cả công nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch lại những kiến thức đã được hướng dẫn, khi nhận được giấy chứng nhận an toàn lao động, công nhân mới có thể bắt đầu công việc.

“Chúng tôi rất mong những người tham gia giao thông hãy chú ý quan sát khi thấy những người công nhân đang làm việc thì chú ý vòng tránh để đảm bảo an toàn cho những người công nhân vệ sinh môi trường. Đặc biệt, là không uống rượu bia khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác”

Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, để công tác an toàn vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả thì việc tuyên truyền huấn luyện, nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động là hết sức cần thiết. Chính bởi vậy, những năm qua, Công đoàn ngành luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn, mạng lưới An toàn vệ sinh viên, người sử dụng lao động và người lao động.

Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện đã góp phần nâng cao đáng kể nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động. Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, chú trọng huấn luyện về an toàn lao động đối với những người lao động mới tuyển dụng và những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cao, dưới mương, sông, cống ngầm...

Đồng thời, Công đoàn ngành cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các công trường xây dựng, nhà máy sản xuất qua đó chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót để đảm bảo tốt hơn nữa điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này