Cơ quan, tổ chức không thực hiện việc điều chỉnh lương sẽ bị phạt

10:20 | 10/03/2015
Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết quy định tiền lương khi quyết định tăng thêm 8% lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Đây được xem là mức tăng phù hợp với tốc độ tăng của giá tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng chi tiêu, sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng 8% lương với người hưởng hệ số lương 2,34 trở xuống

Theo Nghị quyết 78/2014/ QH13, về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/1/2015 Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng thêm 8% lương đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng). Tiền lương tăng thêm không được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương. Từ Nghị quyết này, Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu tiền lương trong năm 2015 dự tính sẽ tăng khoảng 11.100 tỷ đồng; trong đó, có 10.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, và ngân sách địa phương 1.100 tỷ đồng.

Nhiều người cho rằng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn về kinh tế, thì việc Chính phủ dành ngân sách tăng lương cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, của Chính phủ đến công tác an sinh xã hội. Theo ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng tiền lương (Vụ LĐ – TL – Bộ LĐ - TB &XH), chủ trương này là hợp lý và không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo đề xuất tăng lương của Chính phủ, nguồn vượt ngân sách Nhà nước trong năm 2014 được chuyển sang sử dụng cho mục đích này.

Cũng theo Nghị quyết của Chính phủ về tăng lương trong năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, các quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng nếu có hệ số lương từ 2,34 trở xuống cũng sẽ được điều chỉnh tăng lương.

Mạnh tay xử phạt vi phạm

Chị Cao Thị Châm, Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm cho hay: “Không chỉ có tôi, mà rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước đều vui mừng trước Nghị quyết điều chỉnh hệ số lương cho những người đang hưởng mức lương từ 2,34 trở xuống. Trong điều kiện kinh tế thị trường, giá cả ngày một leo thang thì việc điều chỉnh lương của Chính phủ là rất hợp lý”.

Nghị quyết 78/2014/QH13 của Chính phủ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2015, chế độ quy định tại nghị quyết này được tính hưởng từ ngày 1/1/2015. Việc tăng thêm 8% lương cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước cũng tạo thêm khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp khi phải sử dụng đến nguồn ngân sách dự trữ. Trao đổi với phóng viên báo LĐTĐ, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hoài Đức cho biết: “Việc tăng thêm 8% lương cho cán bộ công chức, viên chức có mức lương dưới 2,34 là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xét về mặt bằng chung các đơn vị hành chính, sự nghiệp, thì Bệnh viện tâm thần Hoài Đức nguồn vốn dự trữ hạn chế, vì thế vẫn cần dựa vào nguồn vốn bổ sung từ ngân sách nhà nước. Hiện bệnh viện đã nhận được chỉ đạo và đang gấp rút thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện đầy đủ quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, khi nghị quyết chính thức được thực hiện từ ngày 1/4/2015”.

Trước thắc mắc về việc các đơn vị liệu có thực hiện nghiêm quy định, ông Nguyễn Tiến Đăng, Trưởng phòng tiền lương (Vụ LĐ – TL – Bộ LĐ - TB &XH) cho biết: “Khi Nghị quyết 78/2014/QH13 của Chính phủ chính thức thực hiện từ ngày 1/4/2015, nếu các tổ chức, cơ quan… viện lý do khó khăn không tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì chiếu theo khoản 4 – 5 tại điều 13 - Nghị định 95/2013/NĐ – CP, quy định về mức vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội mà xử phạt. Theo đó mức xử phạt sẽ từ 20 triệu đồng – 75 triệu đồng. Thậm chí sẽ đình chỉ hoạt động, hoặc chức vụ từ 1 – 3 tháng đối cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước”.

Cũng theo ông Đăng, tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước, nếu gặp phải trường hợp cơ quan không áp dụng, hoặc áp dụng tăng lượng chậm hơn so với quy định của Chính phủ, thì cán bộ, công chức, viên chức nên báo cho các cơ quan có thẩm quyền như UBND xã, huyện, tỉnh tại nơi làm việc. Hay các phòng, sở, bộ LĐ – TB &XH. Khi bị phát hiện không thực hiện đúng theo Nghị quyết 78/2014/QH13, cơ quan, hoặc tổ chức đó không chỉ bị xử phạt theo quy định, mà còn phải thực hiện việc bồi thường cho cán bộ, công chức, viên chức, như buộc phải trả khoản tiền lãi cho số lương trả chậm theo quy định của Nhà nước.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này