Bảo tồn di sản văn hoá dân gian Hà Nội trước tốc độ đô thị hóa và những thách thức

15:14 | 06/12/2020
(LĐTĐ) Theo sự phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa, các làng cổ, làng nghề… Hà Nội sẽ dần bị thu hẹp lại, kéo theo đó là các di sản văn hóa dân gian sẽ dần mất đi hoặc không còn tồn tại. Điều đó đặt ra những thách thức cho các nhà văn hóa dân gian.
Có nhiều thành tựu văn hóa dân gian chuẩn bị đón 1010 năm Thăng Long Hà Nội Kỳ 2: Giữ gìn văn hóa dân gian trong lòng phố thị Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại thu hút 6 vạn du khách

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, “sẽ không còn những cầu Đông, cầu Dền, sẽ không còn những Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Tựu với những làng hoa. Sẽ không còn những làng cổ Đường Lâm hay nhiều làng nghề thủ công truyền thống… Và đi theo sự mất mát đó là những câu chuyện lịch sử, giai thoại làng nghề, phố nghề và biết bao nhiêu phong tục, tập quán, lối sống, các món ẩm thực, truyền thống văn hóa.

Bởi vậy, bên cạnh những sáng tác văn học, những tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, những bản nhạc hoài niệm… thì văn hoá dân gian cần phải ghi chép một cách tỉ mỉ, chi tiết về các làng, các phố, mỗi di tích, mỗi câu chuyện liên quan đến mọi thứ của Hà Nội hôm qua còn sót lại và hôm nay vẫn đang tồn tại ở đâu đó. Có như vậy, hai mươi năm, ba mươi năm hay còn lâu hơn nữa con cháu chúng ta, người Việt Nam chúng ta mới có thể biết đến “miếng ngon Hà Nội”, còn biết đến một con sông Tô Lịch mộng mơ, biết đến một “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”".

Bảo tồn di sản văn hoá dân gian Hà Nội trước tốc độ đô thị hóa và những thách thức
Di sản văn hoá dân gian cần được bảo tồn trước tốc độ đô thị hóa (ảnh: BT)

Tiến sĩ Lê Hồng Lý cũng cho rằng, văn hóa dân gian đang dần mất đi, thay vào đó là những toà nhà cao tầng che hết khoảng không gian, đè bóng xuống những hàng cây lèo tèo không chống nổi những “cây building” bê tông cao ngất, hút hết bầu không khí trong lành được tạo bởi cây xanh.

Để cứu vãn những mất mát đã và đang đến rất nhanh chóng đó, ngoài sự chung tay của tất cả các hội trong Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian nhiều năm qua đã tiến hành những công việc âm thầm, khiêm tốn nhằm bảo tồn di sản của Hà Nội. Đó là những sưu tầm nghiên cứu về phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, truyền thuyết, ẩm thực, làng nghề, nghi lễ, lễ hội dân gian; những ghi chép sưu tầm về các chợ Hà Nội, những địa chỉ văn hoá một thời ăn sâu vào tâm thức của người Hà Nội như chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Xanh… Những cái chợ hôm nay chỉ còn là cái tên với những toà nhà khang trang đồ sộ, thế hệ trẻ sẽ không tài nào hình dung nổi một thời xa vắng đã qua của cha ông họ, nếu không có những công trình ghi chép này.

Bên cạnh đó là các ghi chép về những truyền thuyết, giai thoại về các vị thành hoàng làng của các làng Hà Nội, những vị thần đã hun đúc nên một khí phách, một sức mạnh của con người Thủ Đô trong tất cả các cuộc kháng chiến ác liệt nhất trong lịch sử. Những câu ca dao, tục ngữ mang đậm chất của Hà Nội như: “Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, hay “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”…. Cùng nhiều ghi chép, sưu tầm khác về đường phố, về ẩm thực, về thú ăn chơi tao nhã của người Hà Nội được công bố rải rác trên báo chí trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hồng Lý, dù suốt những năm qua công việc sưu tầm, ghi chép và nghiên cứu miệt mài của nhiều thế hệ, song kho tàng trí tuệ dân gian của Hà Nội vẫn còn là những bí ẩn, những tiềm năng chưa được khai thác. Đặc biệt khi xứ Đoài (Hà Tây cũ) sáp nhập trọn vẹn vào Hà Nội thì tiềm năng đó càng lớn. Việc “nhặt nhạnh” những gì còn sót lại trước khi vĩnh viễn mất đi là việc làm mà Hội văn nghệ dân gian Hà Nội đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực con người. Trong bối cảnh xã hội hiện đại là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn, người làm nhạc, hoạ, mỹ thuật, nhiếp ảnh và kiến trúc, nhưng lại đang là tàn lụi đối với văn hoá dân gian. Bởi vậy, nhìn nhận chiến lược cho việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực văn hoá, nhất là văn hoá dân gian nói riêng thực sự là một vấn đề cần được lưu tâm, suy nghĩ.

Với vấn đề sưu tầm, nghiên cứu, những năm vừa qua, Hà Nội đã làm được những việc đáng trân trọng đó là tiến hành kiểm kê các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, đặc biệt là phi vật thể. Điều này giúp những thế hệ sau biết được quy mô của các di sản này như thế nào. Do vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục sưu tầm lưu giữ các giá trị văn hoá phi vật thể đang có nguy cơ bị triệt tiêu trong bối cảnh đô thị hoá, hiện đại hoá hiện nay.

“Trước hết là mau chóng có kế hoạch sưu tầm cuốn chiếu tại những địa bàn đô thị và cận đô đang có tốc độ đô thị mạnh mẽ để vớt vát, thu lượm những gì còn sót lại của các làng cũ, sau đó là các vùng còn chưa bị đô thị hoá nhiều, rồi đến những vùng vẫn còn là nông thôn chiếm đa số” là một trong những giải pháp mà Tiến sĩ Lê Hồng Lý đưa ra. Và để bảo tồn văn hóa dân gian, cần có sự tham gia, giúp đỡ của mọi người dân thành phố, các cấp chính quyền với những chủ trương, chính sách cụ thể.

Việc đầu tư cho hoạt động văn hoá nghệ thuật nói chung, văn hoá dân gian nói riêng là một việc làm cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, khi mà tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá và đặc biệt là xu thế toàn cầu hoá đang lấn át mạnh mẽ lên mọi mặt kinh tế, xã hội và văn hoá của Thủ đô.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này