Khi kỷ vật chạm vào trái tim

17:26 | 24/11/2020
(LĐTĐ) Những ngày này, người dân Thủ đô và du khách đến với Di tích Nhà tù Hoả Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ được trải nghiệm gõ kẻng làm từ bom Mỹ, đội mũ rơm và ẩn nấp trong hầm chữ A. Trải nghiệm thú vị này sẽ giúp các thế hệ đã trải qua thời chiến chạm lại ký ức năm xưa, giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận được một thời khói lửa cha ông đã từng trải qua.
Trải nghiệm đội mũ rơm và ẩn nấp trong hầm chữ A tại di tích Nhà tù Hỏa Lò Trải nghiệm đêm tại Di tích Nhà tù Hoả Lò: Nhiều ấn tượng để lại

Đội mũ rơm, ẩn nấp dưới hầm chữ A

Tại trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” do Di tích Nhà tù Hoả Lò khai mạc vừa qua, lần đầu tiên, người dân Thủ đô được trải nghiệm tham quan bằng audio guide (thuyết minh tự động).

Khi kỷ vật chạm vào trái tim
Các bạn trẻ trải nghiệm ẩn nấp trong hầm chữ A tại Di tích Nhà tù Hoả Lò.

Các câu chuyện được thể hiện qua giọng kể truyền cảm, kết hợp với hiệu ứng âm thanh sống động như tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, tiếng ầm ì của máy bay, nghe lại giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!...”. Ngoài ra, du khách cũng được trải nghiệm tự tay gõ kẻng làm từ bom Mỹ, đội mũ rơm và ẩn nấp trong hầm chữ A. Trong không gian căn hầm với mùi khói súng, du khách sẽ được nghe giới thiệu về cách làm hầm, công năng của hầm để tránh đạn bom trong thời chiến.

Bạn Minh Ngọc, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tham quan trưng bày, em được lắng nghe, cảm nhận các câu chuyện về lịch sử và lần lượt trải qua các cung bậc cảm xúc: Từ xót xa trước những đau thương, đổ nát trong chiến tranh; đến khâm phục tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Qua đó, em càng cảm thấy tự hào về truyền thống nhân văn của dân tộc khi đối xử với phi công Mỹ bị bắt giam trong chiến tranh và mở rộng vòng tay, cùng chung sức khắc phục những hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, khi được trải nghiệm ẩn nấp trong hầm chữ A với mùi khói súng đã giúp em hình dung rõ nét hơn về một thời khói lửa cha ông đã từng trải qua”. Trong kháng chiến chống Mỹ, hầm chữ A được quân và dân Việt Nam cải tiến, sử dụng trên khắp hai miền Nam Bắc, dùng tránh bom bi và một vài loại bom có sức công phá nhỏ khác. Hầm có độ sâu từ 1 đến 1,2 mét; chiều rộng 1 mét, dài 1,5 mét. Phần chịu lực được làm bằng tre, gỗ ghép lại thành hình chữ A. Cửa hầm có thể được thông ra hai đầu.

Bà Trần Thị Thuận, một người dân Hà Nội đã trả qua những năm tháng sống trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ bồi hồi: “Là một người dân Thủ đô đã vượt qua những ngày Hà Nội đất rung, ngói tan, gạch nát, khi được đến tham quan trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tại Di tích Nhà tù Hoả Lò tôi cảm thấy rất xúc động, đặc biệt khi được nghe lại giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Sau tiếng còi báo động, chúng tôi nhanh chóng, khẩn trương xuống hầm trú ẩn. Trong hầm, chỉ có thể ngồi xổm, đầu cúi thấp, hai khuỷu tay đặt trên đầu gối, che hai tai, có thể đội cả mũ rơm. Khi máy bay địch rời đi cũng là lúc các hoạt động sinh hoạt thường ngày lại tiếp diễn. Những căn hầm chữ A này mang theo hy vọng về sức sống mãnh liệt, giúp người dân miền Bắc chúng tôi vượt qua bom đạn hiểm nguy trong những trận tập kích bằng không quân của địch”.

Tái hiện ký ức “Điện Biên Phủ trên không”

Đây là một trong nhiều hoạt động của trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964 - 1972). Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, nhân dân miền Bắc đã phải gánh chịu bao mất mát, đau thương. Nhưng, vào những thời điểm khắc nghiệt nhất, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam lại tỏa sáng. Dù phải đối đầu với những loại vũ khí hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam một lần nữa chiến thắng, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972. Chiến tranh dần lùi xa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được hàn gắn với nhiều dấu mốc lịch sử trong 25 năm qua (1995 - 2020). Để có mối quan hệ tốt đẹp hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của cựu chiến binh hai nước và nhiều tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình. Họ đã cùng nhau: Khép lại quá khứ, xây đắp tương lai.

Trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” được giới thiệu qua 2 phần: Giữ vững biển trời và Nối hai bờ đại dương. Nội dung đầu tiên Giữ vững biển trời kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Bằng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, quân và dân miền Bắc đã kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại điên cuồng của địch. Trong đợt tấn công, phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (từ tháng 8/1964 - 11/1968), quân đội Mỹ huy động hàng nghìn máy bay tối tân (lần đầu tiên đưa máy bay B-52 sang chiến trường Việt Nam), trút hàng nghìn tấn bom xuống các tỉnh miền Bắc. Trung bình mỗi ngày, nhân dân miền Bắc hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn dội xuống.

Tại khu trưng bày, du khách sẽ được nghe kể những câu chuyện bi hùng về tinh thần, bản lĩnh của người dân Việt Nam: Đó là câu chuyện về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân hy sinh thân mình để bảo vệ học sinh trong trận ném bom của Không quân Mỹ vào Trường cấp II Thụy Dân (Thái Bình) ngày 21/10/1966. Câu chuyện về các chiến sĩ phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) luôn nêu cao khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”. Câu chuyện về sự sáng tạo của người dân Vĩnh Linh đã tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn ven biển để bám đất sinh hoạt và chiến đấu những năm 1965 - 1968... Bằng lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo và sức chịu đựng phi thường, quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, bắn rơi 34 máy bay B-52 trong tổng số 81 máy bay, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972.

Ở phần nội dung thứ hai Nối hai bờ đại dương giới thiệu về những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước đã chung tay, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau còn dai dẳng suốt hơn 45 năm qua. Trong hành trình đặc biệt ấy, có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.Đó là Thượng nghị sĩ John Sidney McCain (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 - 1973), người giành nhiều nỗ lực để hàn gắn quan hệ hai nước sau chiến tranh; Ngoại trưởng John Kerry từng tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 1968, sau đó ông là người tham gia quyết liệt vào phong trào phản chiến cũng như thúc đẩy bình thường hoá quan hệ hai nước; là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Douglas Brian Peterson (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 - 1973) với nhiều hoạt động góp phần bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; là ông Bobby Muller - Người sáng lập Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVA)…

Trưng bày cũng giới thiệu tới người dân và du khách những tài liệu, hiện vật gợi nhớ đến ký ức trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, hiện vật liên quan đến các phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Nhà lao Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng.Trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” khai mạc ngày 23/11/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. /.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này