Phân công rõ trách nhiệm quản lý trong phòng, chống tác hại của rượu bia

13:59 | 19/11/2020
(LĐTĐ) Theo Thạc sĩ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định 176/NĐ-CP), trong đó có mức xử phạt với các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia có nhiều điểm mới tiến bộ.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sắp có hiệu lực Đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào cuộc sống Tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và thuốc lá
Phân công rõ trách nhiệm quản lý trong phòng, chống tác hại của rượu bia
Nghị định 117 được cho là có nhiều điểm mới, tiến bộ trong việc phòng chống tác hại của rượu, bia

Một điểm mới của Nghị định 117 là sẽ phân công trách nhiệm một cách rõ ràng vai trò của từng bộ, ngành có liên quan, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp. Đặc biệt, Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia trong phạm vi địa bàn quản lý; trách nhiệm quản lý rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay không.

Từ việc phân định trách nhiệm sẽ tránh sự buông lỏng, chồng chéo trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.Liên quan đến nguồn lực chi cho phòng, chống tác hại rượu bia, do đây là lĩnh vực liên ngành, đòi hỏi sự đầu tư cao nên Chính phủ có quy định ngoài mức chi chung đặc thù còn quy định nội dung chi về phòng, chống tác hại rượu bia, tạo nguồn lực cho các cấp cơ sở có đủ nguồn lực triển khai luật, biết rõ nội dung chi tiêu để triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại rượu bia một cách hiệu quả.

Với 80% dân số tiêu thụ rượu bia và rượu thủ công vẫn là vấn đề chưa thể quản lý chặt chẽ, theo bà Trần Thị Trang, trong kinh doanh rượu thủ công, các hoạt động người dân sản xuất rượu thủ công làm nguyên liệu bán cho doanh nghiệp đã được quản lý tương đối tốt. Những cơ sở này có kê khai sản lượng, đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để quản lý sản phẩm rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh do người dân sản xuất để tự tiêu dùng, làm quà tặng và có cả bán ra thị trường.Do đó, Luật và các Nghị định mới nhằm quản lý hoạt động này để họ phải kê khai sản lượng, bảo đảm về mặt chất lượng và không được đưa sản phẩm kinh doanh trực tiếp. Họ phải bán lại cho doanh nghiệp chế biến, còn nếu muốn bán phải có đăng ký kinh doanh. Đây là biện pháp quản lý mới của Luật và Nghị định nhằm quản lý hoạt động rượu thủ công.

Trách nhiệm chính là giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã theo sát từng hộ gia đình. Họ sẽ có trách nhiệm đến từng hộ gia đình, phát hướng dẫn, đôn đốc cách kê khai bảo đảm được quản lý sản lượng. Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt trong lĩnh vực thương mại, trong đó có các vấn đề liên quan trách nhiệm pháp lý nếu không tuân thủ nội dung này.Bà Trang cho rằng: “Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý.

Hiện nay, chúng ta tiêu thụ rượu thủ công hơn 200 triệu lít/năm và vấn đề tiêu dùng trực tiếp cao chúng ta cần phải kiên trì, thường xuyên kiểm tra giám sát đôn đốc, tuyên truyền để người dân tuân thủ dần dần. Người dân có thể bán nhưng phải đăng ký kinh doanh. Từ quản lý sản lượng thì chúng ta sẽ quản lý được chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, chúng ta cũng quản lý được việc kinh doanh tránh thất thu thuế, quản lý hoạt động hợp pháp, tránh bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh”.

Cũng theo bà Trang, khi lực lượng chức năng triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và tai nạn thương tích do sử dụng rượu bia cũng đã giảm đáng kể.

Đặc biệt, tình trạng ép mời rượu, bia khi lái xe đã có những chuyển biến tích cực cho thấy luật đang đi vào cuộc sống.Để duy trì thành quả này, cần phải là một quá trình liên tục duy trì phối hợp giữa các cơ quan. Thách thức đối với một đạo luật đi vào cuộc sống đòi hỏi sự đồng bộ, liên tục, thường xuyên để tránh lúc mới ban hành thì chú trọng nhưng sau đó thì trầm lắng, xao nhãng về thực thi, kiểm tra khiến tỷ lệ vi phạm tăng trở lại./.

Kim Tiến- Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này