Cứu người trong gang tấc

11:54 | 22/01/2014
LĐTĐ - Luôn đối diện với bệnh tật, thậm chí giành giật sự sống được tính theo từng tích tắc kim đồng hồ cho người bệnh…, đó là công việc thường ngày của đội ngũ thầy thuốc. Đâu đó trong cuộc sống vẫn còn những phàn nàn, những bất bình về thái độ của họ. Nhưng trên tất cả, khi đứng trước sự sống và cái chết, họ - những “người mẹ hiền” luôn dốc lòng cứu những “đứa con”.

Đánh bại thảm họa y học

Những ngày cuối năm, khi nhà nhà đều hối hả chuẩn bị sắm Tết, chị Nguyễn Thị Tuân ( 29 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) cũng chuẩn bị nào lá dong, gạo nếp, nào kẹo bánh để đón năm mới. Chị bảo, tưởng năm nay chồng chị phải đón Tết một mình vì cách đây 3 tháng, cả 3 mẹ con chị đã cận kề với lưỡi hái tử thần. May mà, các bác sĩ cứu được chị, còn hai con thì… Chị bỏ lửng câu nói, đôi mắt đượm buồn.

Trước đó, chị Tuân mang song thai tuần thứ 30. Một ngày trước khi nhập viện, ngày 30/10/2013, chị Tuân đi tiểu nhiều, bụng căng cứng, thai không máy; chị đi khám tại phòng khám tư thì được xác định hai thai chết lưu nên đã vào Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội. Sau khi nhập viện, chị Tuân có dấu hiệu chuyển dạ rồi vỡ ối. “10 phút sau tôi thấy hoa mắt chóng mặt, sa sầm mặt mày tưởng như bị tụt huyết áp, vẫn còn kịp nhận thấy mình tím từ đùi lên, rồi sau vài giây lịm đi không biết gì nữa. Đến lúc mở mắt ra, ánh đèn mổ sáng nhòa, thoang thoáng tiếng monitor, tiếng máy thở trong phòng yên ắng, các anh chị y bác sỹ vẫn đang theo dõi, tôi mới định thần: mình còn sống. Nhìn lên đồng hồ đã là 3 giờ sáng hôm sau” – chị Tuân kể lại.

Chỉ chậm một vài phút thôi là nụ cười sẽ không bao giờ nở trên môi cậu bé này.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp tham gia mổ cấp cứu sản phụ Tuân nhớ lại: Khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp cấp, rối loạn đông máu nặng, toàn bộ các vết chọc kim, chân catheter, dẫn lưu nước tiểu chảy máu không cầm, chúng tôi xác định khả năng bệnh nhân bị tắc mạch ối. Ngay lập tức toàn bộ ê-kíp bao gồm các bác sỹ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên vừa hồi sức, vừa chuyển bệnh nhân sang phòng mổ. Ban giám đốc cũng có mặt kịp thời hội chẩn và quyết định mổ lấy thai dù hai thai đã chết để giải phóng chèn ép, cắt tử cung bán phần để cầm máu cứu mẹ. “Khi mổ cho bệnh nhân tôi không biết bệnh nhân có thể sống được hay không, chỉ biết cố gắng hết sức, cầm máu kỹ lưỡng từng nút chỉ để hạn chế rối loạn đông máu thêm” – bác sĩ Khải nói.

Ngồi kế bên vợ, anh Thái Đình Hà, 38 tuổi, chồng chị Tuân xúc động chia sẻ: “Như một cơn ác mộng vừa xảy ra với gia đình. Chúng tôi chưa hết đau xót vì vừa biết tin hai thai chết lưu thì vợ tôi lại lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Lúc đầu không nghĩ tình trạng của vợ nặng đến thế. Nhưng khi bác sỹ thông báo và giải thích tình trạng nặng, khả năng tử vong mẹ rất cao, gia đình ai cũng sốc, bàng hoàng, thậm chí chuẩn bị sẵn tinh thần làm đám tang cho cả 3 mẹ con. Nhưng nhờ tất cả sự nỗ lực, kinh nghiệm và tinh thần hết lòng vì người bệnh của các y bác sỹ, vợ tôi đã được cứu sống.”

Trao đổi với PV LĐTĐ về trường hợp sản phụ Tuân, TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội không giấu nổi niềm vui. Bởi theo TS Ánh thì tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ. Đây là một trong những biến chứng đã được y văn ghi nhận chỉ có rất ít trường hợp được cứu sống. Trường hợp sản phụ Tuân cũng rất đặc biệt, song thai chết lưu, điều này khiến bệnh cảnh nặng lên rất nhiều. Thậm chí chúng tôi nghĩ bệnh nhân hầu như không có cơ hội sống. Với tư cách là giám đốc BV, tôi rất vui và hạnh phúc vì người bệnh tưởng chừng cầm chắc cái chết những vẫn cứu được.

Vẫn sống sau khi đã... chết đuối trên cạn

Nói về ca bệnh nguy hiểm, hiếm gặp tưởng chừng như cầm chắc cái chết mà tập thể y bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai đã cứu sống trong năm 2013, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa cho rằng đó là trường hợp bệnh nhi Nguyễn Đăng Đan, 13 tuổi, ở xã Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh.

PGS. Dũng bồi hồi nhớ lại, khoảng 23h đêm ngày 4/9/2013, khoa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Đăng Đan được chuyển từ BV Đa khoa tư nhân Kinh Bắc (Bắc Ninh), trong tình trạng bất tỉnh, toàn thân tím đen như miếng tiết. Cả kíp trực hôm đó thực sự “choáng”. Ngay lập tức cháu bé được cấp cứu, đồng thời các bác sỹ cũng rất bình tĩnh trấn an người nhà. Trong tiếng nấc nghẹn, người thân cậu bé kể lại: Chiều đó, trên đường đi học về nhà, cháu đi qua một con mương. Trong khi các bạn học nhảy xuống mương tắm, Đan không biết bơi nên chỉ đứng trên bờ, nhưng lại bị các bạn trêu kéo tay xuống nước. Chẳng may, cháu bị ngã nhào đúng vào chỗ nước sâu. Chới với, vùng vẫy nhưng các bạn vẫn ngỡ là cháu đùa, chỉ đến khi thấy Đan chìm nghỉm các bạn mới hốt hoảng kêu cứu. Rất may gần đó có người đàn ông đang câu cá, nghe thấy đám trẻ kêu la thất thanh nên vội đến và vớt được Đan lên bờ. Sau 5 – 10 phút móc họng, hô hấp nhân tạo, Đan tỉnh dần rồi lại tự đạp xe về nhà. Về đến nhà Đan thấy mệt nên lên giường nằm và từ đó bắt đầu có biểu hiện ho, sốt, môi tím tái dần. Gia đình đưa cháu đến BV Đa khoa tư nhân Kinh Bắc, kết quả chụp phim phổi cho thấy phổi đã gần như trắng quá nửa dưới phế trường 2 bên phổi. Đan được chuyển thẳng lên khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Tại BV Bạch Mai, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, làm các xét nghiệm, kết quả chụp phim cho thấy, tổn thương phổi tiếp tục tăng lên so với thời điểm trước đó 1 tiếng được chụp tại BV Kinh Bắc. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ ca trực đã đi đến kết luận cháu Đan bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển nhanh. Dù bệnh nhi tự thở được nhưng phân áp oxy trong phổi vẫn rất thấp (25mmHg), chỉ bằng khoảng ¼ so với mức bình thường vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxy.

Mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và điều trị nhưng với tập thể y bác sĩ Trung tâm tim mạch BV Đại học Y Hà Nội thì việc cứu sống một bệnh nhân đã chết lâm sàng 45 phút trong năm qua thực sự là niềm hạnh phúc vô bờ.

Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt máy thở loại hiện đại, chế độ thở hô hấp kiểm soát hỗ trợ với PEEP cao để nhanh chóng đưa nồng độ oxy lên. Và như có phép màu, sau 3 ngày nỗ lực của các bác sĩ, cháu Đan đã qua cơn nguy kịch. Hiện cháu hoàn toàn khỏe mạnh, đi học bình thường.

PGS Dũng cho biết, trước đây cũng từng gặp ca chết đuối trên cạn nhưng không nặng, nguy hiểm như trường hợp cháu Đan. Bởi, phù phổi cấp do đuối nước là cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, có thể tử vong ngay sau vài tiếng. Nguyên nhân là do, trong quá trình rơi xuống mương, chất độc trong nước ngấm vào, sau vài tiếng phá hủy phổi hoàn toàn. Chỉ cần một phút chậm chễ, một chút ngập ngừng do dự là có thể cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ. Đến nay, thỉnh thoảng bố cháu Đan vẫn gọi điện hỏi thăm. Đó là niềm động viên rất lớn đối với người thầy thuốc.

Thoát án tử dù đã chết lâm sàng

Mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và điều trị nhưng với tập thể y bác sĩ Trung tâm tim mạch BV Đại học Y Hà Nội thì việc cứu sống một bệnh nhân đã chết lâm sàng 45 phút trong năm qua thực sự là niềm hạnh phúc vô bờ. Đó là trường hợp bệnh nhân N.T. B ( Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu, ngừng thở hoàn toàn và không bắt được mạch cảnh. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc đang ăn sáng, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, ngã vật ra ghế. Gia đình vội gọi taxi đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại BV Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Khoa Khám Cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng tôi huy động tất cả nhân lực có mặt tại khoa lúc đó tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân ngay lập tức theo quy trình ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy, tiêm thuốc adrenalin, sốc điện…tuần hoàn được tái lập. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, duy trì thuốc nâng huyết áp. Sau khi cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch, các bác sĩ đã tiến hành điện tim, xét nghiệm men tim và siêu âm tim tại giường xác định bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử bị tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

TS. Nguyễn Lân Hiếu, Trung tâm tim mạch BV Đại học Y cho biết: Sau 3 giờ từ lúc vào viện, bệnh nhân được kíp bác sĩ can thiệp mạch vành tiến hành chụp mạch vành cấp cứu, kết quả có tắc hoàn toàn đoạn 2 và 3 của động mạch liên thất trước, động mạch vành bị tắc được tái thông bằng hút huyết khối, nong bằng bóng và một stent được đặt tại vị trí tắc. Kết quả can thiệp mạch vành tốt. Các đánh giá bệnh nhân được chuyển lại phòng Cấp cứu Hồi sức để hồi sức nâng cao. Đánh giá về phản xạ, ý thức của người bệnh cũng cho thấy phản xạ của bệnh nhân vẫn còn, cho phép còn hi vọng bệnh nhân không bị mất não. Sau gần 20 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được cai máy thở, rút canuyn mở khí quản.

Theo các chuyên gia, trong y học, bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện được cứu sống cũng không nhiều, đặc biệt cứu sống và không để lại di chứng thần kinh lại càng hi hữu. Bởi với những bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn cứ một phút trôi qua mà không được cấp cứu đúng cách thì cơ hội sống sót giảm đi 10%. Ngay cả với việc được cấp cứu đúng cách, thì cứ mỗi phút trôi qua tuần hoàn không được tái lập thì cơ hội sống cũng giảm đi 4%. Với ca bệnh này, tuần hoàn được khôi phục sau 45 phút cấp cứu liên tục cũng là hiếm gặp.

N.HUYỀN

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này