Giữ gìn và phát huy giá trị phố nghề

10:29 | 17/11/2020
(LĐTĐ) Với những người nghệ nhân còn giữ nghề tại phố cổ, họ luôn có một nỗi đau đáu là làm sao có thể gìn giữ và phát triển nghề truyền thống trước nguy cơ mai một. Đây không chỉ là cách để bảo tồn giá trị phố nghề mà còn góp phần phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch đặc sắc của phố cổ Hà Nội.
Đình Kim Ngân – Điểm nhấn khi tham quan phố cổ Hà Nội Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động quảng bá làng nghề

Những người duy nhất giữ nghề trong lòng phố

Phố cổ là nơi tập trung các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương của người Hà Thành từ xưa đến nay. Tuy nhiên, sự phát triển hiện đại nhanh chóng đang khiến nhiều nghề thủ công tại Hà Nội không còn được ưu chuộng như xưa. Nhiều nghề đã hoàn toàn biến mất, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng, cần mẫn giữ nghề cha ông để lại.

Giữ gìn và phát huy giá trị phố nghề
Ông Nguyễn Phương Hùng, người thợ cuối cùng ở phố Lò Rèn

Ngôi nhà số 7 của anh Lê Đình Thắng trên phố Tố Tịch (quận Hoàn Kiếm) là căn nhà hiếm hoi còn giữ nghề thợ tiện. Anh Thắng cho biết, đây là cửa hàng “cha truyền con nối” của gia đình. Bố anh xưa kia gắn bó với nghề tiện gỗ, khắc gỗ mà nuôi được ba anh em khôn lớn. Trong giai đoạn phát triển thịnh vượng của nghề, anh Thắng nhớ lại cả con phố Tố Tịch lúc nào cũng vang tiếng đục đẽo cưa bào vang khắp ngõ ngách. Nhiều năm trở lại đây, “phố cưa bào” đã biến mất, nghề thợ tiện cũng không còn. Duy chỉ có anh Thắng vẫn cố “bám trụ” với nghề.

Sự lên ngôi của công nghệ hiện đại đã khiến những người thợ thủ công như anh Thắng gặp nhiều thách thức. Nghề thủ công vất vả lại lắm công phu, đòi hỏi người làm phải kiên trì và tỉ mỉ thì mới có được những sản phẩm tinh xảo nên đa phần các bạn trẻ hiện nay không đủ kiên trì để theo nghề. “Hầu hết gia đình ở phố Tố Tịch giờ đây đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Vì là tuyến phố trung tâm, lại nằm trong khu vực du lịch nên nhiều nhà chuyển sang bán hàng ăn, kinh doanh khách sạn. Mấy năm gần đây, chúng tôi làm theo kiểu “cầm chừng bởi bán không chạy như trước. Nếu không có lòng đam mê và muốn giữ nghề của gia đình thì chắc tôi khó mà theo đuổi nghề cưa bào này lâu như thế. Nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ...”, anh Thắng trầm ngâm cho biết.

Không chỉ riêng anh Thắng, đâu đó ở khắp các góc phố của Hà Nội, hằng ngày vẫn có những người thợ thủ công âm thầm gìn giữ những tinh hoa của Hà Nội xưa cũ. Có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Chí Thành, cụ Hoàng Thị Khuê là một trong số ít những thợ thủ công còn kiên trì theo đuổi nghề kim hoàn gia truyền của dòng họ trên phố Hàng Bạc; ông Phạm Văn Quang dành trọn tâm huyết cho nghề đúc khuôn bánh hoàn toàn làm bằng tay trên phố Hàng Quạt… Vượt lên trên áp lực kinh tế, dường như với họ, nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là “giữ hồn” phố cổ với hi vọng nghề truyền thống sẽ không bị mai một.

Để niềm tự hào phố nghề mãi lan tỏa

Đất Thăng Long xưa vốn nổi tiếng với làng nghề, phố nghề. Hà Nội xưa với 36 phố phường, mỗi con phố mang những đặc trưng nghề khác nhau. Tất cả tạo nên những nét văn hóa vô cùng đặc sắc trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Hà Nội dần chuyển mình trở nên năng động hơn, cùng với việc nghệ nhân làm nghề ngày càng ít, bóng dáng của những khu phố nghề cũng dần không còn, chỉ còn vấn vương tên phố là không đổi.

Trong đó có thể kể đến phố Lò Rèn (Hoàn Kiếm) vốn cực thịnh nay đã chí còn lại một “đốm lửa”. Vào những năm 2000, dọc phố Lò Rèn là cả dãy nhà đều làm nghề, những lò lửa gần như chẳng bao giờ tắt. Giờ đây, phố Lò Rèn đã khác xưa. Con phố đã rũ bỏ sau lưng tro bụi một thời hoàng kim của nghề rèn thủ công cơ cực. Thay vào đó là những cửa hàng, cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng.Những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi các máy móc. Có lẽ chính vì vậy, bễ lò rèn thủ công, tay đe, tay búa duy nhất của ông Nguyễn Phương Hùng ở góc ngã tư là tâm điểm của du khách tham quan phố cổ.

Trăn trở khi không có người nối nghề, ông Hùng tâm sự: “Mặc dù không đi đâu ra khỏi con phố này nhưng nhiều vị khách nước ngoài đến Hà Nội đã ghé thăm cửa hàng nhỏ của tôi. Từng là gia đình có truyền thống làm nghề 3 đời, thế nhưng giờ đây có mình tôi còn bám mặt với muội than, dầu mỡ và những quai búa nặng trĩu. Nhìn cả dãy phố chẳng còn ai làm nghề rèn tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Không chỉ vì miếng cơm manh áo mà tôi còn muốn “giữ lửa” cho cả con phố Lò Rèn. Còn tên phố thì tôi còn giữ nghề, đến khi tôi dừng lại thì có́ lẽ tên nghề chỉ còn là tên một con phố” – ông Hùng tâm sự.

Giữ gìn và phát huy giá trị phố nghề
Cửa hàng tiện hiếm hoi trên phố Tố Tịch

Những năm qua, để bảo tồn giá trị phố nghề và phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch đặc sắc của phố cổ, thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nhận định, trải qua những biến động của lịch sử cùng với nền kinh tế bao cấp kéo dài, 36 phố phường xưa đã lụi tàn dần và trở thành một hoài niệm đáng buồn. Tuy nhiên nhờ có quy định quản lý xây dựng và bảo tồn khu phố cổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khuyến khích phục hồi các ngành nghề thủ công mỹ nghệ dân gian truyền thống đã có trên địa bàn phố cổ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; khuyến khích các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa và sự ra đời của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, có thể nói những giá trị di sản tại đây bắt đầu được hồi sinh.

Sự xuất hiện của các phố đi bộ trong khu Phố cổ, tổ chức chợ đêm bán các hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Việc tổ chức trình diễn nghề thủ công đặc trưng tại các phố “Hàng”, đã thu hút và tăng trải nghiệm cho du khách đến với Hà Nội. Tuy nhiên việc những người nối nghề ngày càng ít và giới trẻ không quá mặn mà với nghề truyền thống là điều khó thể tránh khỏi. Để giữ gìn và phát huy một cách cơ bản, bền vững giá trị của phố nghề cần phải có các biện pháp lâu dài, lan tỏa hơn nữa giá trị của phố nghề và nghề thủ công trong đời sống hiện đại.

“Nhớ lại xưa kia dưới thời thuộc Pháp Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã cho xây dựng Bảo tàng Thủ Công Mỹ Nghệ tại Hà Đông để khuyếch trương nghề nghiệp, đồng thời tổ chức những cuộc thi tài khéo tại Đấu Xảo Hà Nội và phong chức sắc cho những người thợ giỏi. Nhờ thế mà nghề thủ công mỹ nghệ lúc bấy giờ khởi sắc hẳn lên. Vậy thì nếu bây giờ trong khu phố cổ với biết bao con phố mang tên “Hàng” (thủ công) lại có một Bảo tàng thủ công mỹ nghệ thì thật có ý nghĩa biết bao. Nó sẽ trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân phố cổ, người Hà Nội mà của người dân cả nước với truyền thống “khéo tay hay nghề” do tổ tiên để lại hàng ngàn năm qua, vẫn còn hiện diện tại các tên phố trong khu phố cổ Hà Nội hôm nay”, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chia sẻ./.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này