Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Rộng mở thị trường, khốc liệt đường đua!

10:29 | 17/11/2020
(LĐTĐ) Sau 8 năm đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước Asean và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc) đã chính thức được ký kết tại Hà Nội ngày 15/11. Hiệp định RCEP được kỳ vọng mở ra cơ hội mới trong hợp tác thương mại đa phương giữa các thành viên, đồng thời trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế vốn đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Đảng cần đưa ra chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam EU, Nhật Bản hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế lớn nhất thế giới

“Trái ngọt” sau 8 năm đàm phán

Hiệp định RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì vừa chính thức được ký kết. Thành quả này thể hiện sự quyết tâm của các nước trong việc vượt qua thách thức, chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch, từng bước khôi phục kinh tế hậu Covid-19.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Rộng mở thị trường, khốc liệt đường đua!
Hiệp định RCEP chính thức được ký kết tại Hà Nội ngày 15/11/2020.

Tại buổi Lễ ký kết Hiệp định RCEP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

“Lễ ký kết Hiệp định RCEP hôm nay là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình, đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Được bắt đầu khởi động từ tháng 11/2012 tại Campuchia theo sáng kiến của các nước thành viên ASEAN, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ khuyến khích sự tăng trưởng thương mại giữa các nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc - những quốc gia đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.

RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới do bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 26,2 nghìn tỷ USD và hơn 2,2 tỷ người. Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA "ASEAN +1" hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, RCEP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất từng được ký kết.

Theo chia sẻ của đại diện các nước thành viên, cũng như các nhà kinh tế, một thỏa thuận lớn như Hiệp định RCEP đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của các bên tham gia. Và để có được thành quả này, RCEP đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, trong đó có xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại leo thang khiến nhiều nước muốn từ bỏ chiến lược tự do hóa thương mại…

Trong khi đó, một trong những rào cản được các nhà kinh tế đưa ra khiến Hiệp định RCEP đàm phán kéo dài, đó chính là sự chênh lệch của nền kinh tế giữa các nước trong Hiệp định. Cụ thể, theo các số liệu đánh giá cho thấy, nền kinh tế RCEP giàu có nhất có thu nhập quốc dân tính theo đầu người, cao gấp 48 lần quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Chính sự khác biệt trong các chính sách, lợi ích, chênh lệch trong năng lực cải cách và trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên, khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp, dù tất cả các thành viên đều hướng tới một hiệp định thương mại tự do toàn diện và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Bởi thế, sau khi ký kết Hiệp định RCEP được các nhà lãnh đạo, các nhà kinh tế đánh giá là “trái ngọt” để kết thúc cho 8 năm dài đàm phán. Đồng thời, Hiệp định RCEP cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới; qua đó, gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên…

Động lực phát triển kinh tế mới

Có thể thấy, mặc dù thiếu vắng Ấn Độ, khiến Hiệp định RCEP chưa thực sự trọn vẹn, song RCEP vẫn là một Hiệp định được kỳ vọng giúp khởi động sự phục hồi kinh tế khu vực thời kỳ hậu Covid-19. Bởi, đây không chỉ là một thỏa thuận bao trùm, mà RCEP còn gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực và được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển riêng của các nước. Đó là một lợi thế lớn của RCEP so với một hiệp định thương mại lớn khác của khu vực là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc hay toàn bộ các nền kinh tế thuộc ASEAN…

Đặc biệt, sau khi có hiệu lực, Hiệp định toàn diện và chất lượng cao như RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, gần 30% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, khi RCEP chính thức có hiệu lực, việc các nước thành viên rỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan ước tính sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và trên toàn thế giới là 1,4%.

Trước đây khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, song khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định và từ TPP chuyển thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì nay với việc ra đời Hiệp định RCEP sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Thị trường tiêu thụ rộng lớn với khoảng gần 2 tỷ dân thỏa sức cho các mặt hàng, sản phẩm xâm nhập vào nhau. Tuy nhiên, đường cao tốc “càng thoáng” cuộc đua càng khốc liệt hơn.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, Hiệp định cũng phản ánh nỗ lực của ASEAN trong việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và cam kết về thương mại tự do, đồng thời gửi đi thông điệp phản đối chủ nghĩa bảo hộ và giúp thúc đẩy lòng tin vào toàn cầu hóa. Việc thực hiện RCEP chính là đóng góp thiết thực của ASEAN và các đối tác vào việc củng cố, cải tiến hệ thống thương mại đa phương công bằng, dựa trên luật lệ…

Không chỉ riêng ASEAN, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á trở thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.

Riêng đối với Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Được biết, sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, các nước sẽ dành một khoảng thời gian để các bên tham gia ký kết thông qua hiệp định, theo dự kiến là khoảng 18 tháng./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này