Đảng cần đưa ra chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam

13:07 | 13/11/2020
(LĐTĐ) Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Trong nhiệm kỳ mới, Đảng cần đưa ra chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng Chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất Tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất cần phải được khắc phục

Theo ông Trần Đình Thiên, thời gian qua, với mô hình Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động - đã tạo ra sự đồng thuận, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nên giúp quan hệ kinh tế và tăng trưởng kinh tế ổn định. Theo đó, cần coi sự ổn định (kiểm soát vĩ mô) phải là mục tiêu có tính nền tảng.

Đảng cần đưa ra chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam

Ông Trần Đình Thiên góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng tại Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

Ông Thiên cũng nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta là một trong những quốc gia dẫn đầu mở cửa hội nhập quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khiến thế giới đặt lòng tin vào Việt Nam, tạo ra lợi thế phát triển. Vì vậy, việc tổng kết kinh nghiệm, bài học thành công, cần nhấn mạnh, làm rõ vào việc tổng kết đường lối phát triển kinh tế có sự thay đổi.

Về nhận định trong dự thảo văn kiện, ông Trần Đình Thiên cho rằng, những khuyết điểm cần nhấn mạnh, qua đó tổng kết bài học kinh nghiệm. “Cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, để đúc kết các bài học”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cụ thể, trong báo cáo có nêu bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn những khuyết điểm, hạn chế là: Hoàn thiện mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nên kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần nhấn mạnh yếu tố này vì Đảng ta đã nhấn mạnh tụt hậu là nguy cơ lớn nhất, chính sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng tới quyết tâm chúng ta có tiến kịp thế giới hay không, có đạt được những mục tiêu quan trọng đề ra hay không.

“Do đó, cách tiếp cận về nguyên nhân của khuyết điểm này cần được giải thích sâu đậm hơn, đúng với tinh thần nghiêm túc để nhìn vào những vấn đề lớn nhất của đất nước để, chỉ ra bài học đúc rút cho thời gian tới”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Trong phần hạn chế, dự thảo văn kiện cũng đánh giá: Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao. Theo ông Thiên, đánh giá này đúng, nhưng chưa đủ tầm, phải làm rõ hơn: Hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta đã làm rất tốt ở góc độ ký kết, tham gia các hiệp định, nhưng còn để lãng phí các thời cơ. Đây là bài học vô cùng lớn là việc nắm bắt cơ hội. Vì trên thực tế, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhiều, nhưng doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực nắm bắt cơ hôi, còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn trong cơ chế…

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế, để nhập cuộc, chúng ta cần phải có năng lực mới, phải đưa ra được những năng lực rất mới, cách thức rất mới như: Chăm lo đặc biệt đến năng lực con người và năng lực thể chế. Do đó, đề nghị nhận định về bối cảnh cần có nhận định khái quát và từ đó đặt ra yêu cầu, định hướng cho sự phát triển.

Phân tích về lực lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu, trong khi đó, đây là lực lượng đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển của đất nước, số lượng chưa tương xứng với chất lượng, chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp… Theo đó, ông Trần Đình Thiên đề nghị Việt Nam cần có chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp, có chương trình quốc gia ưu tiên phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, Đại hội Đảng tới đây cần đưa ra chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó nêu rõ doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò như thế nào; doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò ra sao, đặc biệt là vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân; doanh nghiệp khu vực nông thôn đóng vai trò ra sao…

Bên cạnh đó, Đảng cũng cần đặc biệt chú trọng đến khởi nghiệp, không phải là khởi nghiệp theo phong trào, dàn trải như hiện nay, mà cần đặc biệt chú trọng đến khởi nghiệp và ưu tiên cho sáng tạo quốc gia để định vị kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này