Xử mạnh hơn với việc chây ì sổ đỏ!

10:28 | 10/11/2020
(LĐTĐ) Một trong những vấn đề được người mua nhà ở các dự án chung cư quan tâm là không ít chủ đầu tư chậm, thậm chí “chây ì” làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ, sổ hồng). Và điều này đã được một số đại biểu Quốc hội đưa lên bàn nghị sự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Mua nhà đất không có sổ đỏ, rủi ro gì? Phải làm gì khi sổ đỏ bị sai thông tin? Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt để xử lý những tranh chấp ở chung cư Mua bán đất không có sổ đỏ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Xử mạnh hơn với việc chây ì sổ đỏ!
Mua bán đất không có sổ đỏ có thể bị phạt. Ảnh minh họa

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 9/11 về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận có hiện tượng một số chủ đầu tư bất động sản chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người mua nhà. Tuy rằng số lượng không nhiều.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số vụ tranh chấp về vấn đề làm tủ tục cấp sổ chậm chỉ chiếm 2% trong tổng số tranh chấp về nhà chung cư. Song bất luận thế nào, số lượng người dân, hộ dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được tập trung giải quyết. Bộ trưởng Hà cho biết, theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải thực hiện làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người mua. Chế tài xử phạt cho hành vi chậm trễ có thể lên tới 1 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: Thứ nhất là chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Thứ hai là dù đã thực hiện đủ các thủ tục nhưng vẫn cố tình chây ì trong việc cấp quyền cho người dân. Vì vậy, theo Bộ trưởng Hà về giải pháp, đối với những dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ì việc cấp quyền sở hữu đất và sở hữu nhà ở cho người mua, đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt hành chính.

Nếu như chủ đầu tư vẫn tiếp tục cố tình chây ì, thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự. Đối với các dự án còn thiếu thủ tục pháp lý, thì yêu cầu các địa phương có rà soát và đánh giá cụ thể, báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết.

Còn về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Hà cho rằng, điều quan trọng là cần điều chỉnh quy định của pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, công trình xây dựng; sửa đổi một số điểm của nghị định hướng dẫn luật kinh doanh bất động sản để đảm bảo việc cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người dân được chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng đã trả lời nguyên nhân, chế tài xử phạt và biện pháp căn cơ, nhưng điều quan trọng mà những người mua nhà đã bị hoặc đang bị chủ đầu tư “treo sổ” (hoặc chưa làm thủ tục hoặc có rồi không đưa cho người mua) là vì sao cứ cố tình chây ì? Có khuất tất gì trong việc chây ì liên quan đến góc độ pháp lý (dự án chưa đủ các yếu tố, điều kiện để vận hành) hay thủ thuật để huy động vốn cho triển khai các dự án tiếp theo?

Khi một dự án được hình thành, rao bán, người mua có quyền mua để ở và kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi đã chót bỏ ra số tiền khá để mua, thì chủ đầu tư lại cố tình ‘”chây ì” làm thủ tục hoặc bàn giao khiến cơ hội chuyển nhượng hoặc bán bị gián đoạn. Rốt cuộc người mua phải chịu rủi ro. Vì vậy, bên cạnh việc đề nghị xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp (chủ đầu tư) cố tình chây ì còn phải cấm tham gia triển khai các dự án khác trong thời gian ít nhất 1 năm. Có như thế việc chây ì mới chấm dứt và hoạt động của thị trường bất động sản sẽ lành mạnh hơn.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này