Khái niệm “made in”: Còn quan trọng trong hội nhập toàn cầu?

12:04 | 10/11/2020
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng lạm dụng xuất xứ “Made in Việt Nam” để hưởng lợi miễn phí, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi đó, do hội nhập toàn cầu, hiện nhiều nước trên thế giới đã không còn coi trọng khái niệm “made in”, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất…bởi nó xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, việc xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” ở giai đoạn này có còn thực sự cần thiết?.
Đổi mới hoạt động Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế Hội nghị AEM 52 hoàn tất thực hiện 2 sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế ASEAN

Chưa giải quyết được cốt lõi của vấn đề

Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (gọi là Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”). Về cơ bản, đề cương của Nghị định mà Bộ Công Thương đưa ra không có gì khác so với Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đã được Bộ đưa ra lấy ý kiến từ tháng 8/2019.

Khái niệm “made in”: Còn quan trọng trong hội nhập toàn cầu?
Khái niệm “made in” hiện không còn quá quan trọng trong hội nhập quốc tế (ảnh: Đ.Đ)

Tại một hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến về Dự thảo thông tư này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, thông tư này chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, do đó không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương mà phải ban hành dưới hình thức của một Nghị định. Và đây là ý kiến duy nhất mà Bộ Công Thương tiếp thu, tính đến thời điểm trình hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.

Trong hồ sơ đề nghị xin ý kiến xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” mà Bộ Công Thương vừa đưa ra, các quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam hay hàng hóa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên so với quy định đã đưa ra tại Dự thảo Thông tư trước đây. Và thực tế, Dự thảo Thông tư đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều về khái niệm hàng hóa của Việt Nam, hàng sản xuất tại Việt Nam hay hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm được thực hiện tại Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục trình hồ sơ xây dựng Nghị định khiến nhiều chuyên gia không đồng tình.

Đề cập đến khái niệm “Sản xuất tại Việt Nam” theo các chuyên gia kinh tế, 2 khái niệm hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại (made in) Việt Nam là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khái niệm “made in” là chỉ một công đoạn được gia công sản xuất tại Việt Nam thôi. Còn “của Việt Nam” là của ai, của doanh nghiệp Việt hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì thế, nếu không làm cho rõ ràng các khái niệm thì dù là Thông tư hay Nghị định vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Chia sẻ ý kiến về nội dung xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” của Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” không có ý nghĩa vì vấn đề cần đưa ra phải là hàng hóa, sản phẩm do người Việt làm ra. “Giống như trường hợp xe Honda, dù lắp ráp ở Ấn Độ cũng vẫn được coi là sản phẩm của Nhật Bản. Đây mới là vấn đề quan trọng. Vì điều này đồng nghĩa với việc người Việt làm ra sản phẩm đó, người Việt Nam tự sáng tạo, thiết kế, không sao chép, được đăng ký bản quyền. Hoặc ít nhất thì những bộ phận chính của sản phẩm đó phải do người Việt sáng chế, tạo ra. Chuyện sản phẩm sản xuất ở đâu không quan trọng, nó có thể được sản xuất ở Việt Nam hoặc ở bất cứ một quốc gia nào khác”, ông Phú cho hay.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, ngoài việc cần đưa ra các quy định về hàng hóa do người Việt làm ra thì quy định về “hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam” rất khó đo lường, dễ bị lợi dụng, sơ hở và dễ nảy sinh cơ chế xin cho. “Dù tồn tại ở hình thức Thông tư hay Nghị định thì những khái niệm mà Bộ Công Thương đưa ra vẫn còn rối rắm, lúng túng, chưa thể rõ ràng như mong muốn và việc bị lợi dụng, mang danh sẽ còn tiếp tục xảy ra”, ông Phú khẳng định.

Cốt lõi vẫn là thương hiệu Việt Nam

Trước những ý kiến cho rằng, việc xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa từ lâu đã là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Về vấn đề này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ không tạo thêm thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp. Nguyên tắc quản lý việc xác định và thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan... theo nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai và tự chịu trách nhiệm…

Mặc dù được xác định không tạo thêm thủ tục rườm rà với doanh nghiệp, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khái niệm “made in” đã không còn quan trọng trong thời đại hiện nay khi sản xuất chuỗi đã hiện diện trên toàn cầu. Bởi lẽ, vấn đề hiện nay không phải là đề cập đến hàng made in Việt Nam mà cốt lõi chính là hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, hiện nay không cần quy định hay xây dựng công thức cho “Made in Vietnam”. Vì thế giới đã trải qua một cuộc cách mạng, đó là xuất xứ của thương hiệu. Thực tế vai trò của thương hiệu đã thay thế vai trò của sản phẩm hay sản xuất vì vai trò này không còn mang ý nghĩa trong thời đại hội nhập, toàn cầu hoá, phân công lao động hay chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Thực ra, việc phân loại theo quốc gia sản xuất từ lâu đã lạc hậu, chính vì thế mà khái niệm “thương hiệu” ra đời.

Đồng tình với quan điểm của ông Quang, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay, chuỗi sản xuất hiện diện trên toàn cầu, một sản phẩm thương hiệu lớn có nhiều quốc tịch do mỗi công đoạn sản xuất ở một quốc gia khác nhau nên không thể xác định sản phẩm đó có xuất xứ ở đâu. Do đó ông chủ của sản phẩm, những người làm theo chuỗi thường rất coi nhẹ khái niệm “made in”. Đó chính là lý do cho dù những Louis Vuiton, Hermes dù được sản xuất ở bất kỳ đâu thì người ta cũng biết những thương hiệu này xuất xứ từ nước Pháp.

Do đó, điều quan trọng hiện nay không phải là tranh cãi hay xây dựng “made in” mà quan trọng nhất là phải có các chính sách thiết thực, thúc đẩy, cổ vũ tinh thần cho các doanh nhân Việt, tạo ra sản phẩm của người Việt Nam. Đây mới là điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. /.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này