Chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất

21:20 | 05/11/2020
(LĐTĐ) Việt Nam chưa thực sự bắt tay vào việc chủ động nắm bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp (nhất là trong lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử) bằng robot.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng Tư duy mới về chính sách lao động, việc làm trong định hướng phát triển đất nước Cần có giải pháp xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ mới

Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hôm nay (5/11), ông Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, văn kiện cần phân tích sâu sắc hơn và có những biện pháp hữu hiệu hơn để khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất
Ông Nguyễn Lân Dũng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Cụ thể, góp ý kiến về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua (2016-2020) được trình bày trong văn kiện Đại hội Đảng, ông Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự đồng tình với những thành tích rất đáng phấn khởi và trân trọng về tất cả các mặt kinh tế vĩ mô, về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh… được trình bày trong văn kiện.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, văn kiện cần phân tích sâu sắc hơn và có những biện pháp hữu hiệu hơn để khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Đó là Việt Nam chưa thực sự bắt tay vào việc chủ động nắm bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp (nhất là trong lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử) bằng robot.

“Điều này đã xảy ra và sẽ tăng nhanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận và có hướng khắc phục, ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế và năng lực để nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể trở thành công dân toàn cầu, nhất là trong điều kiện các Nghị định Châu Á - Thái Bình Dương đã được ký kết.

Trong sản xuất, Việt Nam chưa nhân rộng các mô hình nông nghiệp sản xuất lớn với cánh đồng rộng lớn có thể tận dụng cơ khí hóa một cách thuận tiện với năng suất cao; các khu trồng cây xuất khẩu trong điều kiện có thể điều khiển từ xa; các mô hình đưa cây ăn quả lên các diện tích rộng lớn ở các vùng trung du, miền núi (như mô hình trồng cây ăn quả xuất khẩu ở Sơn La); chưa mở rộng việc đưa các cây trồng năng suất cao và đủ khả năng xuất khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam (như mô hình đưa giống bơ Australia vào Tây Nguyên)…

Một hạn chế nữa cần phân tích sâu sắc hơn và có những biện pháp hữu hiệu hơn để khắc phục, đó là chưa tạo tiền đề cho việc xây dựng thí điểm mô hình các thành phố thông minh như đã và đang triển khai trên thế giới và trong khu vực.

Ông Nguyễn Lân Dũng nhắc tới việc Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị chu đáo trước tai họa của biến đổi khí hậu (nước biển dâng, thiếu đất sinh hoạt và sản xuất, thiếu nguồn nước tổng thể, bão lụt xen kẽ với hạn hán, lở đất trên diện rộng…).

Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm về các thành tựu rất lớn trong đợt huy động sức mạnh cả nước trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 để chuẩn bị cho các đại dịch có thể tiếp diễn trong tương lai…

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này