Các văn kiện cần thể hiện đậm nét tư tưởng Hồ Chí Minh về công nhân, Công đoàn

12:06 | 02/11/2020
(LĐTĐ) Cần chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, chế độ chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa... bảo đảm để công nhân được thụ hưởng lợi ích tương xứng với thành quả đổi mới và công sức đóng góp. Những vấn đề này cần được thể hiện đậm nét hơn trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Lấy ý kiến các tổ chức thành viên vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc Cần có chính sách đồng bộ, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Chiều 2/11, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với hai sự kiện trọng đại - 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nay và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các văn kiện cần thể hiện đậm nét tư tưởng Hồ Chí Minh về công nhân, Công đoàn
GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương phát biểu tại Hội nghị

Xác định tầm quan trọng trên, các dự thảo Văn kiện trình Đại hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có nhiều điểm mới, điểm nhấn, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới.

Nội dung dự thảo các văn kiện, nhất là văn kiện trung tâm - Báo cáo chính trị, đề cập đến vấn đề này trên hai khía cạnh: Giai cấp công nhân với tư cách là một bộ phận quan trọng trong nhân dân; Giai cấp công nhân với tư cách là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, có địa vị đặc biệt.

Đáng chú ý ở khía cạnh thứ hai, dự thảo Báo cáo chính trị xác định ba vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết về xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

Một là, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức chính trị, tư tưởng, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân.

Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn với ba yêu cầu: Phù hợp với biến đổi cơ cấu lao động, nhu cầu của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; Lấy nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân làm cơ sở cho hoạt động; Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Để hoàn thiện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị, nhằm phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn; bảo đảm, bảo vệ, phát huy hiệu quả hơn vai trò, địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trước tình hình, nhiệm vụ mới, GS.TS Phùng Hữu Phú đề xuất 5 kiến nghị.

Thứ nhất, các văn kiện Đại hội cần quán triệt và thể hiện đậm nét hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân, Công đoàn và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IX) về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những quan điểm, định hướng rất sâu sắc về vai trò, địa vị của giai cấp công nhân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về mối quan hệ máu thịt giữa giai cấp công nhân với Đảng, giữa Đảng với giai cấp công nhân.

Những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân cho đến hôm nay và trong giai đoạn sắp tới vẫn là kim chỉ nam về nhận thức và hành động của Đảng, của hệ thống chính trị và bản thân giai cấp công nhân trên con đường phấn đấu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ hai, trong nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, cần nhấn mạnh yêu cầu giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân; xây dựng tư tưởng, lập trường, đạo đức, ý thức tổ chức, kỷ luật của giai cấp công nhân; chú trọng bồi dưỡng kết nạp những công nhân ưu tú vào Đảng; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí thành cán bộ chủ chốt các cấp.

Cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về giai cấp công nhân trong thời kỳ mới; chú trọng giáo dục, tuyên truyền trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, sứ mệnh lịch sử, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam; hình thành nhận thức chung về yêu cầu, trách nhiệm toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Thứ ba, về nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đầy đủ quyền làm chủ về mọi mặt của giai cấp công nhân, trực tiếp là quyền làm chủ ở cơ sở. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để bảo đảm, bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của giai cấp công nhân, nhất là địa vị về chính trị. Dù làm việc ở loại hình doanh nghiệp nào, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân vẫn là chủ thể chính trị, chủ thể xã hội của một đất nước độc lập, của một thể chế do nhân dân làm chủ.

Cần định hướng và có cơ chế, chính sách bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh; đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với công nhân; có chế tài đủ mạnh và kiên quyết xử lý theo pháp luật những hành vi xâm hại quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân.

Thứ tư, để giai cấp công nhân có thể thật sự thực hiện, phát huy địa vị chính trị, kinh tế, xã hội và quyền làm chủ, Đảng, Nhà nước cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng giai cấp công nhân về mọi mặt.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ thâm nhập, tác động rất nhanh, toàn diện đến nước ta, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu lao động, việc làm, cần đặc biệt chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng công nhân theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ, tác phong công nghiệp, đào tạo công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật theo hướng tri thức hóa công nhân.

"Bên cạnh đó, cần chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa... bảo đảm để công nhân được thụ hưởng lợi ích tương xứng với thành quả đổi mới và công sức đóng góp. Những vấn đề này cần được thể hiện đậm nét hơn trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII", GS.TS Phùng Hữu Phú bày tỏ quan điểm.

Thứ năm, cần nhấn mạnh hơn trong dự thảo văn kiện vai trò, vị trí, mối quan hệ của tổ chức Công đoàn với các tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng, tương thích với vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân. Trên cơ sở đó, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, đồng bộ và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn vì sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển toàn diện.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này