Đừng để những chính sách ưu việt chậm

20:58 | 03/11/2020
(LĐTĐ) Khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, ngay trong tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về gói tài chính trị giá 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đây là việc làm kịp thời của Chính phủ thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến tận bây giờ (4/11) còn không ít đối tượng vẫn chưa được thụ hưởng!
Hà Nội sẽ họp đánh giá việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho lao động tự do Chi trả tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tới người dân phường Trung Liệt ‘Gỡ vướng’ cho giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Đừng để những chính sách ưu việt chậm
Ảnh minh họa: HNM

Nhớ lại những ngày tháng 5/2020, bác Tổ trưởng khu tôi cùng các thành viên trong tổ dân phố ngày nào cũng gõ cửa từng nhà “xác minh” các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ tài chính để lập danh sách gửi ra phường. Cô dạy mầm non và chị hàng xóm thất nghiệp gần nhà tôi cũng thuộc nhóm đối tượng được thụ hưởng.

Văn bản làm đúng hướng dẫn của các cấp, ngành, người dân khai báo rõ ràng, rành mạch có chữ ký của khu phố, phường, xác nhận của cơ quan… tưởng mọi việc diễn ra “êm thấm”. Vì liên quan đến tiền trợ cấp, chuyện tế nhị, ai lại hỏi. Vậy mà hôm 2/11, khi vô tình nhắc đến chuyện này, thì cô giáo viên nọ thốt lên: “Ôi trời, đã trải qua 2 lần nghỉ dịch Covid-19, nay đã đi làm trở lại mà tiền hỗ trợ đã thấy gì đâu”!

Không chỉ nhiều người thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 “chậm” được nhận, mà ngay gói 16.000 tỷ đồng (trong tổng số gói hỗ trợ 62.000 tỷ) mà Chính phủ cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để doanh nghiệp có tiền trả lương cho người lao động, đến nay vẫn nằm im bất động.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 chiều 30/10, khi các phóng viên đặt câu hỏi đã có bao nhiêu doanh nghiệp đến nay được vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động? Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 15 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Qua quá trình triển khai thực hiện, chúng ta đã thực hiện quyết liệt tới tất cả địa phương và cơ bản đã hỗ trợ hết đến các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công.

Tuy vậy, đối với doanh nghiệp và người lao động, quá trình triển khai còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục thẩm tra còn chặt chẽ nên việc triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ đã tham mưu ban hành Nghị quyết 154, Quyết định 32 ngày 19/10/2020 để tháo gỡ một số điều kiện của Nghị quyết 42 và Quyết định 15, trong đó gồm 3 nội dung cơ bản:

Thứ nhất, bổ sung người lao động là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non đến THPT dân lập tư thục… Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, đó là giảm điều kiện về doanh thu, khả năng tài chính, chỉ cần giảm từ 20% là đủ điều kiện. Thứ ba, nới đường biên về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước kia là 50% số người lao động, hiện nay là 20%.

Ngày 19/10 có Nghị quyết thì ngày 20/10, Ngân hàng chính sách xã hội (Ngân hàng Chính sách) đã có văn bản hướng dẫn đến tất cả các ngân hàng địa phương triển khai việc cho vay. Ngày 23/10, Ngân hàng chính sách đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến đến tất cả chi nhánh, các đại diện quận, huyện, xã về gói cho vay này. Về phía Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ngày 27/10 có Công văn 4237 hướng dẫn về tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương triển khai Nghị quyết 154 cũng như Quyết định 32.

Đồng thời, cũng đã triển khai tuyên truyền trên các phương tiện báo chí rất mạnh mẽ, thông tin đã đến tất cả người dân, doanh nghiệp và người lao động. Thứ trưởng cũng cho biết thêm: Triển khai này mới bắt đầu từ ngày 23/10, đến nay được 1 tuần, nên các doanh nghiệp hiện đang làm các thủ tục. Điều kiện bây giờ cũng dễ hơn, trước kia yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận nhưng giờ chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là doanh nghiệp tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay, nên thời gian cho vay rất nhanh.

Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng có một có điểm giống nhau, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cái mà người dân cần nhất là những đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ đến với họ sớm nhất để giúp họ vượt qua thời điểm cơ hàn, cũng như người dân bị lũ lụt cái cần nhất là nhu yếu phẩm lúc này. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao… Chính phủ ban hành các gói tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 rất ưu việt nhưng tiền hỗ trợ đến chậm.

H.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này