Tử vong do ăn tiết canh: Biết rồi, vẫn cứ mắc

09:56 | 13/02/2014
LĐTĐ -Tiết canh là món khoái khẩu. Mặc dù được cảnh báo rất dễ mắc liên cầu lợn, song với quan niệm lợn nuôi là “ lợn sạch” nên không ít người vẫn cứ chén như thường. Chẳng thế mà chỉ trong vòng một tuần trước và sau dịp tết bệnh nhân mắc liên cầu lợn tăng đột biến, thậm chí đã có trường hợp tử vong.

Tử vong vì ăn tiết canh lấy may

Chỉ trước và sau Tết chưa đầy 10 ngày, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận gần chục ca bệnh có tiền sử ăn tiết canh tất niên, có biểu hiện liên cầu lợn. Các ca bệnh này đến rải rác từ các vùng miền và cả tại Hà Nội. Điển hình trong số này là trường hợp bệnh nhân nam (48 tuổi, Thái Bình) nhập viện đúng sáng mùng 1 tết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch sốc, tụt huyết áp vì nhiễm liên cầu lợn. Mặc dù được các bác sĩ dốc toàn lực sử dụng các loại thuốc vận mạch tăng huyết áp để cứu chữa nhưng đã chết do tình trạng quá nặng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, trước đó một ngày bệnh nhân được điều trị tại BV tỉnh nhưng không tiến triển nên đã được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với liên cầu lợn. Người nhà bệnh nhân cho biết, hôm 28 tết, gia đình có mổ lợn nhà tự nuôi ăn Tết và có đánh tiết canh. Hôm đó, cả gia đình có 5 người cùng ăn tiết canh nhưng chỉ có bệnh nhân này nhiễm bệnh. Sau một ngày ăn, bệnh nhân sốt nóng, sốt lạnh, rối loạn tiêu hóa nhưng không đến viện. Đến chiều 30 thấy bệnh nhân  mệt lả, tụt huyết áp thì người nhà mới đưa đến trạm xá rồi được chuyển lên BV tỉnh rồi BV Bệnh Nhiệt đới nhưng đã không qua khỏi.  

Ngoài trường hợp trên hiện BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng đã tiếp nhận 2 ca viêm màng não mủ nghi do mắc liên cầu lợn sau 4 ngày ăn tiết canh. Đó là bệnh nhân nam, 33 tuổi (ở Thành Công, Hà Nội) vào viện trong tình trạng hôn mê, vật vã. Trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh tất niên với bạn trong chuyến công tác tại Ninh Bình. 4 ngày sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng sốt cao rồi nhanh chóng bị hôn mê, vật vã và phải nhập viện.  Trường hợp khác, bệnh nhân nam ở Hoàng Mai - Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu vì viêm màng não mủ do ăn vài bát tiết canh lấy may. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được điều trị tích cực, đến giờ đã tỉnh táo.

Không có lợn “sạch”!

Theo các bác sĩ, thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài giờ đến 4-5 ngày. Bệnh khởi phát bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Đáng nói, bệnh diễn tiến cực nhanh dẫn đến suy đa phủ tạng, đe dọa tử vong nếu đến viện muộn. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, thậm chí bị kết hợp cả hai thể bệnh này. Liên cầu lợn gây ra tình trạng bệnh lý rất nặng nề, đe dọa tử vong cao, nếu bệnh nhân qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng. 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực. Theo một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ trong năm 2010, trên 55 bệnh nhân mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị ở miền Bắc thì tỷ lệ tử vong gần 13%.

Hiện có xu hướng người dân tự nuôi lợn cho gia đình, không sử dụng các sản phẩm tăng trọng để thịt cho gia đình. Chính vì thế, luôn cho rằng “ lợn sạch” song đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Bởi theo BS Cấp, hầu hết bệnh nhân đang nằm viện nghi liên cầu lợn, kể cả bệnh nhân vừa tử vong hôm mùng 1 tết đều ăn tiết canh lợn nhà nuôi với quan niệm hồn nhiên “lợn nhà nuôi, có cho ăn bẩn đâu mà nhiễm bệnh”. Thậm chí người thân vẫn cứ băn khoăn rằng sao 5 người ăn mà chỉ 1 người bị. Chỉ đến khi có kết quả dương tính liên cầu lợn, bác sĩ giải thích họ mới tin người thân mình chết vì nhiễm liên cầu lợn từ tiết canh. “Thực ra, việc nhiễm vi khuẩn liên cầu phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như số lượng vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào cơ thể” - BS Cấp giải thích.

Phương An

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này