Không ngừng hỗ trợ công nhân lao động nâng cao trình độ chính trị, học vấn

15:31 | 27/10/2020
(LĐTĐ) Thực hiện Quyết định của Chính phủ về việc “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, các cấp công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực tại cơ sở. Để hiểu thêm về kết quả các cấp công đoàn Thủ đô đã thực hiện trong 5 năm qua, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Cùng doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà Khích lệ con công nhân viên chức lao động vượt khó, học giỏi Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở

Thưa ông, Đề án 231 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 12/3/2015 đã được triển khai 5 năm qua. Xin ông cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai tới các cấp công đoàn và công nhân lao động như thế nào?

Ông Ngô Văn Tuyến: Trong 5 năm (2015-2019), các cấp công đoàn Thủ đô bằng nhiều kênh như tổ chức hội nghị, hội nghị tập huấn, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệp, học tập điển hình tiên tiến, học tập tuyên truyền xây dựng “Nếp sống văn hóa công nghiệp”, “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”,… đã phối hợp tổ chức 8.755 buổi tuyên truyền tới 1.751.000 lượt cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (trong đó có1.313.250 là công nhân lao động các doanh nghiệp).

Quá trình triển khai, các cấp công đoàn Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức tuyên truyền về tầm quan trọng của Đề án và tuyên truyền truyền, vận động 97,5% công nhân, viên chức, lao động thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ,… đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác, ổn định đời sống việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không ngừng hỗ trợ công nhân lao động nâng cao trình độ chính trị, học vấn

Ông Ngô Văn Tuyến phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên giáo Công đoàn cho cán bộ làm công tác tuyên giáo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các công đoàn cơ sở trực thuộc.

Cụ thể, tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, ôn lý thuyết, luyện tay nghề thi thợ giỏi, thi nâng bậc đạt kết quả cao hàng năm. Tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký xây dựng các công trình, sản phẩm chất lượng cao, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Đến nay, toàn Thành phố đã có hơn 121.000 đề tài khoa học các cấp, sáng kiến, giải pháp, sản phẩm với giá trị làm lợi trên 3.900 tỷ đồng; Thành phố tổ chức biểu dương 320 công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, với giá trị làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng; có 35 công trình đã hoàn thành và được Liên đoàn Lao động Thành phố gắn biển.

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp là phải vận động được công nhân lao động chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ của bản thân. Xin ông cho biết, thời gian qua, hoạt động này đã được triển khai như thế nào?

Ông Ngô Văn Tuyến: Những năm qua, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chủ động phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức lựa chọn công nhân giỏi các cấp tham gia thi “Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội”. Qua triển khai, số lượng thợ giỏi các cấp không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước, huy động được sự tham gia của đông đảo công nhân lao động. Tại các cấp công đoàn, các hoạt động hội thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật, thi tay nghề, lựa chọn và biểu dương công nhân giỏi, ôn lý thuyết luyện tay nghề thi nâng bậc, chăm lo đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cho công nhân lao động cũng được tổ chức sôi nổi…

Theo báo cáo của các đơn vị, năm 2015 - 2019 toàn Thành phố có trên 245.000 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 12.153 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở; 375 công nhân lao động được công nhân danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Đặc biệt năm 2019, thực hiện Quyết định số 5816/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân - Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp tổ chức thành công “Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội” năm 2019. Tham gia Hội thi có 250 thí sinh được lựa chọn, đến từ 83 doanh nghiệp tham gia ở 11 nghề thi. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 11 thí sinh đạt giải nhất, 22 giải nhì, 33 giải ba và 20 giải khuyến khích cho 86 thí sinh tham gia hội thi. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố đã quyết định tặng 11 Bằng khen cho 11 thí sinh đạt thành tích xuất sắc nhất Hội thi.

Điều đáng mừng là thông qua Hội thi, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và công nhân lao động các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức, xác định đúng nhiệm vụ phải không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề vững vàng, đảm bảo việc làm, ổn định cuộc sống. Không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm bản thân, học tập trau dồi trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ vị trí việc làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, qua Hội thi cũng góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần tăng năng suất lao động; ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Không ngừng hỗ trợ công nhân lao động nâng cao trình độ chính trị, học vấn
Chú trọng xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân lao động. Ảnh: B.D

Được biết, mục tiêu tổng quát thời gian tới thành phố đề ra là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tích cực học tập suốt đời để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập. Vậy, xin ông cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ có giải pháp nào để thúc đẩy hiệu của của chương trình trong thời gian tới?

Ông Ngô Văn Tuyến: Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất phải ưu tiên là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân lao động các doanh nghiệp, doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế về thường xuyên học tập, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Tổ chức biên soạn tài liệu và các lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, công nhân lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, nhất là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở.Tổ chức các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, vận động công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn; phát triển phong trào học bổ túc văn hóa và phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi hằng năm cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp phục vụ công nhân lao động, ưu tiên doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân.

Liên đoàn Lao động thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập. Đồng thời, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động vào thỏa ước lao động tập thể, theo đó các doanh nghiệp tạo điều kiện cụ thể về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất; động viên, khuyến khích công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; vận động các doanh nghiệp xây dựng Quỹ Khuyến khích học tập nâng cao tay nghề công nhân lao động để hỗ trợ, động viên, tặng học bổng, khen thưởng công nhân lao động tích cực và có thành tích cao trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ duy trì hoạt động mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Trên cơ sở thống kê, rà soát, khảo sát thực tế hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách, báo, máy tính kết nối Internet cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để xây dựng “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Liên đoàn Lao động thành phố sẽ vận động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ưu tiên bố trí diện tích nhà cho “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phù hợp với quy mô công nhân và giao cho Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất quản lý để phục vụ công nhân lao động học tập, sinh hoạt văn hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong thực hiện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này