Lực lượng trật tự tránh làm thay nhiệm vụ Công an xã và chính quyền địa phương

13:48 | 25/10/2020
(LĐTĐ) Chiều ngày 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bổ sung, quy trách nhiệm đối với công an xã, phường trong việc quản lý người lưu trú Đánh giá tác động khi nhập 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách Gần 750.000 dân phòng, công an xã bán chuyên trách sẽ được tổ chức thành lực lượng mới

Thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc xây dựng Luật này đặt trong tổng thể việc triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Luật Công an nhân dân.

Lực lượng trật tự tránh làm thay nhiệm vụ Công an xã và chính quyền địa phương
Quốc hội lắng nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một số đại biểu cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; có nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; kinh phí, ngân sách bảo đảm; một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành; dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; một số nhóm chính sách mới trong Luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn...

Liên quan đến vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, tuy khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật xác định vị trí của lực lượng này là lực lượng “quần chúng tự nguyện”, nhưng nhiều quy định của dự thảo Luật về xây dựng lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động... chưa phù hợp với vị trí, tính chất của lực lượng “quần chúng tự nguyện”.

Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn đối với quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở “làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” tại khoản 1; đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể tương ứng trong dự thảo Luật để thể hiện nội dung này.

Đồng thời xác định rõ hơn chức năng “tham gia phối hợp” và “hỗ trợ” của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” tại Điều này và rà soát thống nhất các quy định có liên quan trong dự thảo Luật và đề nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ “phối hợp” tại Điều này và tại Chương II về nhiệm vụ, quyền hạn vì không phù hợp với vị trí của lực lượng này…

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương II dự thảo Luật), một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 8 đến Điều 14) của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quá rộng và “nặng”, chưa phù hợp với vị trí của Lực lượng; thiếu cụ thể về phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động; nhiều quy định chưa chặt chẽ và thiếu tính khả thi vì có những nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có hiểu biết nhất định về pháp luật và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định những nhiệm vụ thể hiện vị trí, chức năng độc lập của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; cụ thể hơn các hoạt động về phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 9); vận động, thuyết phục, cảm hoá, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng (Điều 12). Đồng thời bổ sung quy định rõ hơn về “quyền hạn” của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vì Chương II chủ yếu quy định về nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị rà soát kỹ các nhiệm vụ quy định tại Chương II để thống nhất với các quy định liên quan của pháp luật hiện hành; chỉnh sửa quy định tại Điều 13 về truy bắt, giải “người trốn thi hành án phạt tù” cho thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự. Có ý kiến đề nghị bỏ Điều 13 vì đã được pháp luật quy định.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Chương II dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện, tránh làm thay nhiệm vụ của Công an xã và chính quyền địa phương; xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật; đồng thời, rà soát kỹ từng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với vị trí của Lực lượng; thống nhất với quy định của các luật có liên quan; đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi…

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này