Chuyện cô gái không đầu hàng số phận!

15:08 | 22/10/2020
(LĐTĐ) Đã ngoài 30 tuổi nhưng Nguyễn Thị Thu Thương vẫn mang hình hài của một em bé tuổi lên ba, với chiều cao chỉ 80 cm, nặng chưa đầy 22 kg. Không may, ngay từ khi lọt lòng, Thương bị mắc bệnh xương thủy tinh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi không thể sinh hoạt, đi lại như bình thường. Nhưng với nghị lực phi thường, cô gái bé nhỏ ấy đã cố gắng để vượt lên số phận, trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo, nhất là những người đồng cảnh.
Không đầu hàng số phận

Tuổi thơ gắn với giường bệnh

Nguyễn Thị Thu Thương sinh năm 1983 tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội. Bố Thương là công nhân tại một công ty xây dựng tại Hà Nội, mẹ Thương làm nông nghiệp thuần túy kiêm thợ may. Cái tên Thu Thương được đặt với ý nghĩa tình yêu thương được sinh ra trong một ngày Hà Nội mùa thu đẹp trời. Gia đình, bố mẹ ai cũng rất mong chờ, hạnh phúc chào đón thiên thần nhỏ sinh ra.

Chuyện cô gái không đầu hàng số phận!
Thu Thương tại “Diễn đàn truyền cảm hứng phụ nữ khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0” (Ảnh: Cao Tiến)

Thế nhưng nụ cười chưa kịp nở trên môi, liền vụt tắt khi hình hài của Thương không bình thường: Mắt xanh, đầu to, chân tay teo nhỏ, cong queo, đây chính là dấu hiệu của bệnh xương thuỷ tinh. Trở về nhà, tiếng khóc của cô bé Thương vẫn vang vọng khắp thôn xóm. Mỗi lần thay tã là một lần Thương khóc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, do em bị gãy xương chân trong quá trình chào đời. Ba tháng nghe con khóc ròng, mẹ Thương chỉ biết ôm con mà khóc theo.

Cả tuổi thơ của Thương là những chuỗi ngày đau đớn vì liên tục gãy chân, gãy tay. Có khi chỉ là thay bộ đồ, có khi ngã, có khi chị em bạn bè vui đùa va phải... bất cứ va chạm nào cũng có thể khiến Thương đau lắm, phải nằm bất động nhiều tháng. Đến bây giờ cô không không nhớ nổi số lần mình điều trị và thời gian đợi xương liền lại. Thương tâm sự: "Ngày bé mình hay bị gãy xương nhất. Mỗi lần gãy là một lần đau đớn tột cùng. Nhưng tránh sao được khi ở cái tuổi hiếu động ấy". Cũng chính vì thế nên Thương không thể đi học cùng bạn bè, đành ở nhà quanh bốn bức tường buồn bã.

Nhìn bạn bè đồng trang lứa ngày ngày cắp sách tới trường, vui đùa vận động, Thương nhiều lần tủi thân, khóc thầm. Sức khỏe yếu là vậy nhưng vì muốn có kiến thức, muốn biết đọc, biết viết, Thương nhờ người thân, bạn bè giúp việc học. Khó khăn chồng chất, cô gặp nhiều trở ngại khi cầm bút, không thể ngồi nên chỉ luyện tay được một chút thì mỏi rời, cầm sách đọc cũng không được lâu. Sau thời gian dài cố gắng không ngừng nghỉ, Thương cũng đã có thể đọc, viết thông thạo.

Vượt qua nghịch cảnh

Tình cờ xem một chương trình trên tivi nói về những người khuyết tật không từ bỏ hy vọng, Thương nhận thấy cuộc sống cũng có rất nhiều người có số phận kém may mắn như mình, quan trọng là họ vẫn có ý chí vươn lên, kiên trì cố gắng. Thấy vậy, Thương nuôi dưỡng ước mơ được học nghề, có thể làm việc và nuôi sống bản thân bằng chính năng lực của mình. Nghĩ là làm, cô xin bố mẹ cho đến cơ sở học nghề. Ở đó, cô được học nghề thủ công lưu niệm, biết làm đồ dùng thủ công làm bằng tay.

Học được rồi, Thương bắt tay vào làm, sản phẩm đầu tay của cô bán được 27.000 đồng (đó là năm 2004). Cầm trên tay số tiền đầu tiên kiếm được, cô và mẹ ôm nhau khóc òa vì hạnh phúc. Dần dần Thương tập tành nghiên cứu làm đa dạng các sản phẩm như đan khăn len, đèn, túi đan bằng hạt cườm... Dần dần, sản phẩm của cô được nhiều người biết đến và tìm mua, các đơn hàng ngày một nhiều hơn, có nhiều thời điểm hàng làm không kịp để giao cho khách. Công việc thuận lợi, cô bắt đầu dùng mạng xã hội, mở website bán hàng chuyên nghiệp.

Năm 2014, Thương có ý định thành lập trung tâm hỗ trợ, đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật, giúp họ có việc làm. “Nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, tôi đã có thể tự lập và tự chủ cuộc sống của mình. Vì thế tôi cũng muốn lan tỏa điều đó đến các bạn đồng cảnh ngộ khác bằng cách giúp đỡ họ học nghề, có việc làm. Tôi mong muốn họ sẽ vượt qua được nghịch cảnh, có cuộc sống hạnh phúc và sẽ không còn cô đơn, mặc cảm, từ đó tự tin hòa nhập cuộc sống…”, Thương chia sẻ.

Nguyện vọng đó được Thương nhanh chóng thực hiện, tháng 3/2014, Thương khai trương Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương tại Hà Nội. Trung tâm vừa dạy nghề làm tranh giấy cuốn cho các bạn trẻ người khuyết tật, vừa là xưởng sản xuất.

Chuyện cô gái không đầu hàng số phận!
Một sản phẩm tranh giấy cuốn của Thu Thương (Ảnh: Cao Tiến)

Ngay khi khai giảng, Trung tâm của Thương đã đón nhận 13 em vào khóa học đầu tiên. Mỗi em mang trong mình một khiếm khuyết hình thể hoặc tâm lý, nhưng tất cả các em, giống như "chị Thương", đều tích cực, cần mẫn tự lao động, để sống, để có một cộng đồng nhỏ, để sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng lớn cuộc đời.

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay, Trung tâm vẫn duy trì số lao động là người khuyết tật, các học viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ở nhiều độ tuổi và không phân biệt hoàn cảnh hay điều kiện. Các em đến trung tâm được hỗ trợ 80% phí ăn ở, học nghề miễn phí. Lương tháng của các em tùy vào sức khỏe và tay nghề.

Để hoạt động của Trung tâm được mở rộng, Thương đã thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Thương Thương Handmade ở quận Đống Đa, Hà Nội và một website để tiện bán hàng. Sản phẩm chủ yếu là mặt hàng lưu niệm handmade như tranh, hộp card, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt, hộp bàn cờ, các loại tranh phong cảnh trang trí bằng giấy cuốn, tranh chân dung, tranh logo thương hiệu của các công ty.

Thương chia sẻ, do các bạn là người khuyết tật nên sức lao động không thể bằng người khỏe mạnh bình thường. Người khỏe làm một ngày được một sản phẩm nhưng các bạn khuyết tật phải làm một ngày rưỡi, có khi hai hoặc ba ngày mới xong. Để người dùng yêu thích và lựa chọn sản phẩm, Thương đặt mục tiêu cho các em, làm sao chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Khách hàng mua sản phẩm vì chất lượng chứ không phải mua để ủng hộ.

“Tôi luôn mong muốn và cố gắng để sản phẩm được nhiều người biết đến, để Trung tâm có thể duy trì, mở rộng, để các học viên luôn có công ăn việc làm, tự kiếm tiềm lo được cho bản thân. Tôi nhận thấy rằng, các bạn làm việc ở trung tâm của tôi tuy khuyết tật nhưng không vì thế mà không làm việc, họ vẫn vươn lên để có cuộc sống tốt hơn, là người có ích cho xã hội. Bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên tôi rất hiểu những khó khăn đang mắc phải, tôi sẽ cố gắng đồng hành cùng các em, để Trung tâm luôn là ngôi nhà thứ hai che chở, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa”, Thương trải lòng.

Bằng ý chí mạnh mẽ và tấm lòng rộng mở yêu thương, cô gái Nguyễn Thị Thu Thương đã xây dựng được một địa chỉ tin cậy để nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người khuyết tật tìm đến học hỏi, chia sẻ. Tấm gương về nghị lực của cô gái nhỏ trở thành hình ảnh đẹp được lan tỏa trong cuộc sống, trở thành nhân vật truyền cảm hứng có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng./.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này