Có nên tiếp tục thí điểm CMND 12 số?

10:27 | 10/06/2014
LĐTĐ -Là câu hỏi mà nhiều đại biểu QH đặt ra với đại diện Ban soạn thảo về việc tại sao Quốc hội đang thảo luận hai dự án Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch mà cơ quan chức năng lại cho thí điểm làm Chứng minh nhân dân (CMND)12 số.

Lãng phí?

Mới đầu buổi thảo luận tại tổ trong sáng qua (9.6) về 02 dự án Luật nói trên, song không khí ở Tổ TP Hồ Chí Minh nóng lên về câu chuyện lãng phí.  Nóng bởi vì trong khi chính bản thân các đại biểu Quốc hội đang thảo luận Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch để nhằm thay thế CMND hiện hành thì ông Đỗ Văn Cương đại diện Vụ pháp chế Bộ Công an thông báo: Hiện nay, sau khi Hà Nội thí điểm làm chứng minh nhân dân 12 số thì đang triển khai làm ở 5 tỉnh thành khác. Sau thông tin này, các đại biểu Trần Du Lịch, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Quyết Tâm...đã không dấu nổi bức xúc và nói rằng:  Nếu không có gì thay đổi và được QH thông qua, sớm là ngày 1/1 / 2015, chậm là 1/1/2016 Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch sẽ có hiệu lực. Mục tiêu của Luật Căn cước công dân là để thay thế CMND hiện hành, thế nhưng tại sao hiện nay Bộ Công an lại áp dụng thí điểm CMDN 12 số tại một số địa phương? Phải chăng giữa hai bộ Công an và Tư pháp không có sự phối hợp chặt chẽ. Chúng ta đã chi và dự kiến chi bao nhiêu tiền để đổi CNMD mới 12 số, trong khi vẫn biết có thể vài năm nữa khi 2 đạo luật kia ra đời sẽ khai tử loại CMND, đây là việc làm hết sức lãng phí.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH sau cuộc khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công dân” đã đề nghị tạm dừng cấp CMND công nghệ mới. Lý do,  trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật căn cước công dân, trước mắt đề nghị chỉ đạo tạm dừng việc cấp chứng minh nhân dân theo công nghệ mới, trong đó có số chứng minh nhân dân 12 số tại thành phố Hà Nội và một số địa phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng chứng minh nhân dân của công dân.

Còn đó những băn khoăn

Đối với Dự án Luật căn cước công dân, theo tờ trình của Chính phỉ thì việc  Chính phủ đề xuất làm thẻ Căn cước công dân với tư cách là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, CMND hiện đang sử dụng. Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Trên thẻ ghi số định danh cá nhân, thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... nên công dân có thể sử dụng để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác. Thẻ căn cước dự kiến được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp 2013.

Theo ghi nhận của PV liên quan đến nội dung công dân sau khi sinh ra cấp thẻ căn cước công dân ngay có hai luồng ý kiến. Ý kiến thống nhất và ý kiến nên xem xét lại. Luồng ý kiến nên xem xét lại đưa ra quan điểm: Khi đứa trẻ sinh ra đã phải có giấy khai sinh, vậy nếu cấp Thẻ Căn cước công dân ngay thì sau nay cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào đâu để nhận dạng công dân đó, vì lúc sinh ra với lúc trưởng thành hình dạng con người rất khác nhau. Chính vì lý do, ngành công an nghiên cứu những công dân đủ 14 tuổi mới tiến hành làm CMND hiện hành. Đi sâu vào chi tiết, ĐB Nguyễn Đức Chung- Giám đốc công an Tp Hà Nội cho hay: Dự Luật vẫn chưa quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cấp và quản lý căn cước công dân. Thế nên, Ban soạn thảo cần phải xây dựng một chương riêng quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trong đó, quy định cụ thể về nội dung, trình tự thủ tục, quy trình, thẩm quyền, phương pháp cập nhật, quản lý, sử dụng và khai thác thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân. Ngoài ra, đối với số định danh cá nhân ĐB Chung khăn khoăn về việc  liệu Luật có chồng chéo, khi một cá nhân tồn tại nhiều loại giấy tờ như: CMND 9 số, 12 số, giờ thêm số định danh nữa thì như nào? Trong khi đang dùng CMND 9 số, 12 số nếu không dùng nữa thì bỏ. Vậy trong thủ tục hành chính sẽ nảy sinh rất nhiều như thay đổi lại hệ thống giấy liên quan kèm theo. Tương tự, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), Phó Giám đốc sở Công an TPHCM nhấn mạnh, dự thảo chưa khái quát được hết mục đích là nêu  gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó. Vì thế, cần bổ sung thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng và sinh học khác được quy định trong dự luật để phân biệt người này, người khác. Ví dụ cần có thông tin về nhóm máu, vân tay...

Liên quan đến Luật Hộ tịch nhiều đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứ kỹ từng câu chữ, quy định, phạm vi điều chỉnh để Luật này không trung với Luật căn cước công dân. Đồng thời, luật phải tôn trọng quyền công dân nghĩa là không kê khai quá nhiều thông tin về đời tư công dân.

Cần  phải có lộ trình làm và có sự nghiên cứu kỹ tính thực tiễn của các Luật,  nếu chưa tính được thì chưa nên làm ngay. Trong dự thảo Luật Căn cước công dân  phải làm sao bảo đảm tính khả thi, khoa học, chắc chắn, không được đưa ra những phương án thay thế cho giấy tờ cũ một cách giản đơn. Đại biểu Phạm Quang Nghị dẫn chứng, trước khi cho lưu hành tiền Polyme thay tiền Catton, đại diện ngân hàng Nhà nước thời đó nói loại tiền mới (Polyme) rất khó làm giả, song đến nay các tổ chức tội phạm vẫn làm giả được! Cạnh đó, cần nghiên cứu đặc điểm việc nhận dạng cá nhân ra sao trong hành trình phát triển của công dân. Vì cấp vĩnh viễn mà lại cấp cho người ngay từ khi sinh thì có cơ sở nào để nhận dạng được cho sau này?

ĐB Phạm Quang Nghị- UVBCT- Bí thư Thành ủy Hà Nội

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này