Hướng về miền Trung!

18:48 | 18/10/2020
(LĐTĐ) Những ngày này cả nước đang hướng về miền Trung, hướng về Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…nơi lũ lụt, lở đất, lở núi không chỉ cướp đi sinh mạng của một số cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người dân trong vùng mà khiến đời sống người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Bão chồng bão, lũ chồng lũ thêm một lần người dân miền Trung phải gồng mình chống chọi với thiên tai!

Trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của Tổ quốc, có lẽ không có nơi nào thời tiết khắc nghiệt như miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), đặc biệt là các tỉnh từ Nam Thanh Hóa đến Quảng Nam! Mùa hè gió Lào bỏng rát, đất đai khô cằn; mùa Đông lạnh buốt; từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch bão lũ triền miên. Thời tiết khắc nghiệt đến mức, sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên từng phải thốt lên: “Ôi gió Lào ơi! ngươi đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/Những đồi sim không đủ quả nuôi người/Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười/Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng”!

Hướng về miền Trung!

Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lũ gây ngập nhiều nơi, chia cắt nhiều địa bàn. - Ảnh: VG

Và cũng khó ở đâu trên nước hình chữ S, xét về vị trí đia lý lại có phong cảnh “sơn thủy hữu tình” như dải đất miền Trung. Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tỉnh nào phía Đông cũng được bao bọc bởi biển, phía Tây là núi, là giải Trường Sơn hùng vĩ và giữa là ruộng đồng bao la. Tuy nhiên, chính vì vị trí địa lý như vậy, nên miền Trung là một trong những dải đất hứng chịu nhiều trận bão nhất cả nước trong năm. Và cũng chính vì địa hình núi non hiểm trở (phía Tây) lại chiều ngang tương đối hẹp, có nơi như Quảng Bình chỉ vọn vẹn khoảng 50 km, nên mỗi lần có bão là đi liền với lũ lụt ở hạ du, lũ quét, lũ ống ở thượng lưu!

Không chỉ bây giờ, khi những trận “đại hồng thủy” đổ xuống các tỉnh miền Trung những năm trước, trên báo chí, diễn đàn, các nhà khoa học cũng đã có những luận giải về nguyên nhân dẫn đến lụt dâng nhanh, lũ ống, lũ quét diễn ra với tần suất ngày càng tăng, ngoài việc biến đổi khí hậu còn do vấn nạn khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản quá mức cho phép. Trong số hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa cả nước hiện nay, thì các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm tỷ lệ lớn. Rừng (rừng tự nhiên) không chỉ có chức năng điều hòa khí hậu mà còn “lá chắn thép” để bảo vệ nhân dân không bị lũ lụt tàn phá. Điều cần nói thêm, rừng tự nhiên chức năng khác rừng trồng mới. Rừng tự nhiên hệ sinh thái nhiều tầng, nhiều lớp làm cho bề mặt cấu tạo địa chất phía dưới chặt, đồng thời hấp thụ tốt lượng nước mưa không để chảy xuống hạ du quá nhiều. Còn rừng trồng mới không có chức năng như vậy, nên khi mưa xuống thường xuất hiện các trận lũ ống, lũ quét. Đấy là chưa kể tình trạng phá rừng trái phép, khai thác khoáng sản vẫn diễn ra. Nhưng đây là câu chuyện mà các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ luận giải và sẽ có đáp án trả lời.

Hướng về miền Trung!
Cán bộ, công nhân viên chức cơ quan Văn phòng UBNDTP Hà Nội ủng hộ nhân dân các tỉnh bị thiên tai gây ra (ảnh T.T.T.Đô)

Còn hiện tại một số tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang mưa rất to. Hết bão số 7, số 8 thì ngoài biển Đông theo dự báo các áp thấp nhiệt đới đang có xu hướng mạnh lên thành bão đang hướng vào Việt Nam, hướng vào “khúc ruột” miền Trung”- người dân vùng bão, vùng lũ đang rất khó khăn và cần sự giúp đỡ hơn bao giờ hết. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ về khắc phục, phòng chống hậu quả thiên tai, những ngày qua từng đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; tại các Đại hội Đảng bộ địa phương như Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra từ 11-13/10; các tổ chức, cá nhân, đoàn thể đã và đang quyên góp tiền, vật chất để ủng hộ đồng bào miền Trung.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cùng với nhân dân cả nước, những ngày này các cấp Công đoàn Thủ đô, toàn thể công nhân, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô cũng đang hướng về miền Trung bằng các việc làm thiết thực. Đã, đang và sẽ ủng hộ quyên góp bằng vật chất, tiền bạc, kêu gọi quyên góp để thông qua Mặt trận Tổ quốc nhằm gửi đến đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Đồng thời, sẽ có những đoàn, những chuyến xe “nghĩa tình” của các cấp Công đoàn Thủ đô về với đồng bào bị lũ lụt, đến với các gia đình nạn nhân bị thiên tai… Cả nước đang hướng về miền Trung, Thủ đô đang hướng về miền Trung, mong thiên tai sẽ sớm qua, nỗi đau sẽ lắng xuống, người dân lại trở về cuộc sống bình thường…

L.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này