Nhân rộng những mảng xanh

08:32 | 01/10/2020
(LĐTĐ) Dạo bước trên khắp các con đường, ngõ phố của Thủ đô, người dân và du khách có thể dễ dàng bắt gặp những vườn hoa công cộng, công trình xanh - sạch - đẹp đã được thay thế cho các bãi rác tự phát đã tồn tại lâu năm. Cùng đó là những điểm sáng về các mô hình nông nghiệp hữu cơ… Bằng những hành động, những việc làm cụ thể mang nhiều ý nghĩa về môi trường của các cá nhân, tập thể đã góp phần quan trọng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, khuyến khích xây dựng mảng xanh trong lòng Thành phố.
Sản xuất rau an toàn: Làm sao để người dân cùng thụ hưởng? Nông nghiệp xanh, giá trị lớn

Từ điểm sáng mô hình nông nghiệp hữu cơ

Nằm sát chân núi Vua Bà, thuộc vườn Quốc gia Ba Vì, nơi có khí hậu đặc biệt trong lành, nguồn nước suối rừng tự nhiên, tinh khiết và đất nguyên sinh, chưa từng bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm, đó là những lợi thế để trang trại Hoa Viên (thuộc xã Yên Bình và Yên Trung huyện Thạch Thất) phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi với diện tích hơn 60 ha.

Nhân rộng những mảng xanh
Rau hữu cơ đại ngàn của trang trại Hoa Viên được cung cấp tới tay người tiêu dùng (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Thạc sĩ Trương Kim Hoa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc, chủ trang trại Hoa Viên cho biết nhận thấy mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ là hướng đi có tính bền vững, lâu dài, không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, do đó, Công ty đã tổ chức đầu tư chăn nuôi lợn rừng giống và thương phẩm, trồng trọt rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ. Với phương châm chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch gắn liền với bảo vệ môi trường, trang trại Hoa Viên đã thực hiện quy trình trồng rau hữu cơ cực kỳ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch. Đặc biệt, các công đoạn nhổ cỏ, làm đất đều được đội ngũ người lao động ở Hoa Viên làm bằng tay…

Đặc biệt để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, trang trại đã ứng dụng công nghệ vào xử lý chất thải tạo ra nguồn thức ăn sạch để nuôi trùn quế, sản phẩm thu được từ chăn nuôi trùn quế là phân trùn, trùn giống và trùn thịt. Hàng năm Công ty đã xử lý gần 30.000 tấn chất thải, cho ra sản lượng hơn 10.000 tấn phân trùn quế và 5.000 tấn sinh khối trùn quế. Việc nuôi trùn quế từ các chất thải chăn nuôi và chất thải trồng trọt mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường, người lao động được làm việc trong môi trường trong lành.

Nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi tại các hộ gia đình sẽ giải quyết được bài toán xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi khu vực nông thôn, đồng thời thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên tại khu vực các xã nông thôn miền núi thành phố Hà Nội. Phân trùn quế cũng là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm cao, là nhân tố quan trọng góp phần cải tạo đất. Thực tế tại trang trại Hoa Viên, sau thời gian sử dụng, đất đai từ hoang hóa, cằn cỗi nay đã trở nên màu mỡ, hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển đa dạng. Mô hình nông nghiệp hữu cơ của trang trại đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình cũng đã áp dụng cách làm của trang trại chuyển dần sang việc trồng rau sạch, họ đã biết cùng nhau bảo vệ rừng, đất và nguồn nước mạch chảy ra từ núi Vua Bà.

“Ở khu vực vùng núi này nếu chúng tôi không làm trang trại thì khu vực đất ở đây cũng hoang hóa, khi người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ô nhiễm ra môi trường. Đây là khu vực đầu nguồn, mùa mưa sẽ làm các chất ô nhiễm chảy về khu vực đồng bằng, gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống người dân. Xuất phát từ cái tâm vừa bảo vệ môi trường trong sạch vừa cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng, chúng tôi đã tận dụng phần dư thừa từ trồng trọt đem ủ và cho giun quế ăn. Cùng đó, ở khu vực chúng tôi đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, trâu bò được họ thả rong, chúng tôi thu gom nguồn phân đó đem về ủ lên cho giun quế ăn, sau đó lấy phân giun quế đem chế biến thành phân dùng cho trồng trọt”, anh Nguyễn Công Hoàng, quản lý trang trại Hoa Viên chia sẻ.

Đến nhân rộng mô hình “Đường rác nở hoa”

Bên cạnh mô hình nông nghiệp hữu cơ bảo vệ môi trường, tại nhiều địa phương cũng đã xuất hiện mô hình xóa điểm chân rác, biến các điểm chân rác nhếch nhác thành con đường hoa sạch đẹp, khoe sắc tạo nên diện mạo mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tiêu biểu như đường hoa tại tuyến đường giao thông liên thôn khu vực Đồng Xế (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Mặc dù đã được chính quyền các cấp tuyên truyền, đặc biệt là chính quyền xã Tuy Lai vào cuộc quyết liệt tuy nhiên ý thức người dân bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn xã. Tại khu vực Đồng Xế, người dân bỏ rác trái phép thành đống dài gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như bức xúc cho các hộ dân sống xung quanh.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cuộc sống của người dân đã khiến chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Hiệu (thôn Đồng Mả, xã Tuy Lai) luôn trăn trở tìm ra biện pháp để cải tạo môi trường khu vực. Nhận thấy cần phải có hành động cụ thể và thiết thực trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, cá nhân anh đã chủ động một mình mang dụng cụ ra gạt rác gọn lại và ủi những vũng nước bẩn giúp cho mặt đường giao thông khô thoáng. Song song với đó, anh tuyên truyền tới nhân dân quanh khu vực cùng chung tay bảo vệ môi trường và tác động tới các cấp chính quyền thực hiện công tác thu gom rác sinh hoạt đúng nơi quy định. Cách làm này của anh Hiệu đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong thôn, xã và các xã lân cận. Người dân đã cùng chung tay với anh, quyết tâm bỏ công sức, tiền ra để cải tạo, thay đổi hình ảnh nhếch nhác tại nơi này.

Nhân rộng những mảng xanh
Đường rác nở hoa tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức

Cụ thể người dân đã cùng nhau tiến hành dọn rác, san ủi mặt bằng, trồng hoa trên cả đoạn đường nhằm cải tạo cảnh quan môi trường văn minh, xanh, sạch, đẹp. Kết quả đáng ghi nhận, sau nhiều tháng triển khai đoạn đường như được khoác lên tấm áo mới với những hàng hoa đã bắt đầu nảy nở, khoe sắc. Ban đầu từ 0,5km, sau đó được nhân rộng ra khoảng 2km tại tuyến đường liên thôn từ thôn Thượng đến thôn Đồng Mả. Đến nay mô hình “Đường rác nở hoa” đã lan rộng ra 10/14 thôn trên địa bàn xã Tuy Lai. Hàng tuần Hội phụ nữ các cơ sở đã vận động hội viên cũng như cộng đồng cùng nhau chăm sóc đường hoa, dù bận rộn hơn nhưng ai nấy đều vui vẻ, hào hứng tham gia. Vườn hoa không chỉ mang tới ý nghĩa làm đẹp, tạo cảnh quan thiên nhiên gần gũi mà còn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Cùng đó, nhận thấy để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, anh Hiệu cũng đã chủ động tuyên truyền người dân phân loại rác tại hộ. Tại các cuộc gặp gỡ thôn, xóm, đặc biệt là thông qua truyền thông xã hội, mạng internet, anh đã cung cấp những hình ảnh và phương pháp phân loại rác hữu cơ và vô cơ cho người dân nắm được. Tới thời điểm hiện tại đã có nhóm nòng cốt hơn 30 hộ đang thực hiện phân loại rác thường xuyên, số lượng đang tiếp tục tăng lên.

Đánh giá hiệu quả của việc xóa điểm đen rác, anh Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Nhờ tích cực, kiên trì, cùng chung tay của người dân đã xóa được điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường, thay thế vào đó là con đường hoa luôn xanh tốt, rực sắc màu, mang đến một hình ảnh mới sạch, đẹp, văn minh hơn cho khu dân cư. Từ khi có đường hoa, người dân quanh khu vực rất phấn khởi, chủ động phân công nhau chăm sóc. Việc làm này góp phần tác động đến ý thức của người dân và lan tỏa mô hình ra các địa bàn khác”. /.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này