Sai từ cha mẹ

11:44 | 20/03/2014
LĐTĐ - Hiện nay có tới gần 60% bà mẹ mang con đến các cơ sở y tế khám vì lý do biếng ăn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa bên cạnh biếng ăn bẩm sinh, biếng ăn sinh lý cũng còn nhiều trẻ biếng ăn do quan niệm sai lầm của cha mẹ về thực hành dinh dưỡng

70% bà mẹ cho con ăn không đúng cách

Hiện, chúng ta chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ trẻ biếng ăn nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì số trẻ biếng ăn cũng khá cao. Qua khảo sát được tiến hành bởi một nhãn hàng thì 70% trong số 3.000 bà mẹ mắc sai lầm trong việc cho con ăn. Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cũng vừa công bố hàng năm về tình hình dinh dưỡng trẻ em. Theo đó, trong  năm 2013, Việt Nam chưa cải thiện được tình trạng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ bị thiếu cân nặng so với tuổi vẫn còn khoảng 15%, số trẻ bị thiếu chiều cao so với tuổi (thấp còi) là gần 26%. Khoảng hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Kon Tum là tỉnh có cả hai chỉ số này cao nhất nước, tỷ lệ thấp còi lên đến gần 41%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Bác sỹ Nguyễn Thị Thế Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay trẻ biếng ăn do tâm lý đang tăng. Trẻ biếng ăn vì mất cảm giác thèm ăn  và khi có cảm giác bị ép buộc, bỏ rơi, bị gò bó hoặc bị đánh lừa. Việc biếng ăn sẽ khiến trẻ không tăng cân, thể lực kém phát triển. Đáng lo ngại là hiện chưa có giải pháp dinh dưỡng cụ thể cho những trẻ biếng ăn nhưng cân nặng và tăng trưởng bình thường.

Theo GS Nguyễn Gia Khánh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn cũng cần một giải pháp dinh dưỡng hợp lý. Riêng với một số ít trẻ biếng ăn có liên quan đến bệnh lý gây sụt cân, cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng cân. GS Gia Khánh chia sẻ, hiện nay tỷ lệ bà mẹ mang con đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (45,9% – 57,7%). Tuy nhiên, bên cạnh biếng ăn bẩm sinh, biếng ăn sinh lý cũng còn nhiều trẻ biếng ăn do quan niệm sai lầm của cha mẹ về thực hành dinh dưỡng.

Thuốc nào cho “ bệnh” biếng ăn?

Bác sỹ Nguyễn Thị Thế Thanh cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Theo đó, các tình huống thường gặp trong thực tế ở trẻ biếng ăn đó là trẻ bị ép bú bình trong khi thích bú mẹ; nhiều bà mẹ quá đề cao chế độ dinh dưỡng của trẻ; chỉ cần trẻ không ăn một bữa hoặc ít hơn mọi ngày là đã căng thẳng. Cũng vì lý do này mà thực đơn của trẻ thường được kê quá nhiều.Trẻ gần như bị tước đoạt cảm giác thèm ăn. Do luôn bị ép ăn trước khi  đói, dần trẻ sẽ biếng ăn tâm lý.

Với gia đình có trẻ biếng ăn đến bữa cơm là một áp lực. Người lớn thì cố ép cho trẻ ăn đủ trong khi trẻ không chịu ăn, ngậm, nhè hoặc khóc mỗi lần đến bữa. Khi sợ ăn, hoặc bị ép ăn no quá, trẻ bị nôn. Sợ con đói, nhiều mẹ lại tiếp tục bắt trẻ ăn, thậm chí bóp miệng để đưa thực phẩm vào. Điều này càng tạo thêm sự căng thẳng, sợ hãi ở trẻ. Sợ ăn kéo dài đồng nghĩa với việc trẻ bị stress kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý sau này. Khi trẻ bị ốm nhiều bà mẹ cho con uống thuốc bằng cách pha thuốc vào sữa, trộn vào thức ăn hoặc hoa quả. Không khí bữa ăn căng thẳng, mắng mỏ, dọa nạt trẻ khi trẻ ăn bị rơi vãi thức ăn hoặc dây thức ăn ra quần áo. Bị ép phải mang khăn ăn, phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn. Bị quy định phải ăn hết khẩu phần của mình trong một thời gian cố định.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thế Thanh khẳng định, trẻ biếng ăn vẫn có cách để điều trị. Cụ thể, các bậc phụ huynh nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong khi ăn, để trẻ chọn những món ưa thích. Nên tách riêng từng món, thay vì trộn lẫn. Khi trẻ biếng ăn, cha mẹ cần  bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu vì sao trẻ không chịu ăn. Tuyệt đối không ép buộc, không cấm đoán, không roi vọt. Trong trường hợp trẻ bị ốm, cha mẹ hãy trình bày với bác sĩ để bác sĩ cho thuốc dễ uống, không cần phải cho thuốc vào thức ăn để đánh lừa trẻ.

Hải Minh
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này