Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

11:40 | 29/09/2020
(LĐTĐ) Với sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan Công đoàn và ngành Thuế các cấp, 5 năm qua chương trình phối hợp công tác số 02/CTPH/LĐLĐ-CT ngày 16/6/2015 giữa Liên đoàn Lao động và Cục thuế Thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 đã được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để công tác thực hiện chính sách Thuế và thu kinh phí công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng đạt hiệu quả”. Đó là đánh giá tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2015- 2020, ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020- 2025 do Liên đoàn Lao động và Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa tổ chức mới đây.
Chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở Quận Hai Bà Trưng: Hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và công đoàn Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội: Hiệu quả từ công tác phối hợp
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Bùi Huyền Mai và Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Mai Sơn đại diện hai cơ quan ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020- 2025

Công tác phối hợp thường xuyên, linh hoạt

Đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Lao động và Cục Thuế Thành phố trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, được sự quan tâm của Tổng cục Thuế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn Lao động Thành phố với Cục Thuế Hà Nội, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các Chi cục Thuế và công đoàn cùng cấp, chương trình phối hợp Công tác số 02/CTPH/LĐLĐ-CT ngày 16/6/2015 giữa Liên đoàn Lao động và Cục thuế Thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các nội dung phối hợp như công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật Thuế và pháp luật Công đoàn; việc hỗ trợ, phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin để tăng cường công tác quản lý;

Phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trích, đóng kinh phí công đoàn… qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác thực hiện chính sách Thuế và thu kinh phí công đoàn tại cơ quan, đơn vị, đặc biệt doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng đạt hiệu quả.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật Thuế và pháp luật Công đoàn được hai cơ quan phối hợp triển khai bài bản với hình thức phong phú, hiệu quả. 5 năm qua, 2 ngành đã phối hợp tổ chức 253 cuộc tuyên truyền, 168 lớp tập huấn cho hơn 81.600 lượt doanh nghiệp, gần 16.000 lượt công đoàn cơ sở bằng nhiều hình thức như thông qua các buổi tập huấn các văn bản, chính sách mới; qua hệ thống thư điện tử của cơ quan thuế; qua bộ phận một cửa khi doanh nghiệp đến làm hồ sơ thành lập mới; qua các cuộc thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; qua báo, tạp chí chuyên ngành của hai cơ quan …

Tuyên truyền cho gần 30.000 lượt doanh nghiệp về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng kinh phí công đoàn và trách nhiệm chăm lo của công đoàn cấp trên cơ sở đối với người lao động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.Liên đoàn Lao động Thành phố đã hệ thống, lựa chọn những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ để biên soạn tài liệu sử dụng thống nhất trong hệ thống công đoàn, cung cấp để Cục Thuế tuyên truyền, cụ thể là quy định về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng kinh phí công đoàn và trách nhiệm chăm lo của công đoàn cấp trên cơ sở đối với người lao động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Kết quả đã tuyên truyền cho gần 30.000 lượt doanh nghiệp.Nhiều doanh nghiệp đã có phản hồi, điện thoại trực tiếp về cơ quan công đoàn để được hướng dẫn đóng kinh phí công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở.

Cùng với tuyên truyền, công tác phối hợp hỗ trợ, cung cấp, trao đổi thông tin để tăng cường công tác quản lý được hai bên thực hiện thường xuyên, linh hoạt, thông qua nhiều hình thức như: Trao đổi trực tiếp qua điện thoại, thư điện tử, bằng văn bản và hội ý đột xuất, giúp cho cơ quan thuế và công đoàn nắm thông tin của người nộp thuế như đăng ký mới, thay đổi đăng ký thuế, chia tách, sáp nhập, giải thể, thời gian tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể, vi phạm không đóng kinh phí công đoàn.

Trong giai đoạn 2015-2020, cơ quan thuế đã cung cấp cho cơ quan công đoàn thông tin về 153.800 doanh nghiệp thành lập mới, 111.153 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động; 14.990 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm qua thanh tra, kiểm tra. Công đoàn đã cung cấp cho cơ quan thuế thông tin 7.486 đơn vị không trích đóng kinh phí công đoàn, 2.758 đơn vị trích đóng thiếu kinh phí công đoàn làm căn cứ để hai cơ quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc thu kinh phí công đoàn.

Đặc biệt, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trích, đóng kinh phí công đoàn.Công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trích, đóng kinh phí công đoàn được thực hiện bài bản, đúng quy định. Hàng năm các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã đã rà soát và cung cấp danh sách các đơn vị chây ỳ trong việc đóng kinh phí công đoàn và số kinh phí công đoàn đơn vị phải đóng cho cơ quan thuế.

Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo các phòng thanh kiểm tra và chi cục thuế quận, huyện, thị xã, khu vực khi thanh, kiểm tra đưa nội dung trích, nộp kinh phí công đoàn của tổ chức chi trả thuế là một chỉ tiêu trong nội dung thanh, kiểm tra thuế. Sau khi thanh, kiểm tra đã cung cấp cho LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã tình hình vi phạm trích nộp kinh phí công đoàn để từ đó có biện pháp đôn đốc, yêu cầu các đơn vị vi phạm thực hiện theo đúng qui định của pháp luật.

Kết quả, số cuộc thanh kiểm tra phối hợp với cơ quan thuế đồng cấp là 11.237 cuộc; LĐLĐ quận, huyện, thị xã đề nghị cơ quan thuế tiến hành thanh, kiểm tra 6.037 đơn vị vi phạm đóng kinh phí công đoàn. Qua công tác phối hợp thanh, kiểm tra, đã có 1.158 đơn vị đóng kinh phí công đoàn với số tiền hơn 19 tỷ đồng, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ LĐLĐ TP Hà Nội hoàn thành dự toán tài chính công đoàn 5 năm qua.

Phối hợp thực hiện tốt luật công đoàn

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm thực hiện tốt hơn nữa Luật Công đoàn, Luật Quản lý Thuế, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP; ngay tại hội nghị tổng kết, Liên đoàn Lao động và Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020- 2025. Theo đó, Liên đoàn Lao động và Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ ở 3 nội dung gồm: Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật Thuế và pháp luật Công đoàn; hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin để tăng cường công tác quản lý và đáng chú ý là hai bên sẽ tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra đóng kinh phí Công đoàn.

Với những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được, tại hội nghị tổ chức mới đây, Liên đoàn Lao động và Cục Thuế thành phố Hà Nội đã khen thưởng 7 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2015- 2020.

Cụ thể, vào tháng 10 hàng năm, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã cung cấp danh sách, số kinh phí công đoàn phải nộp của các doanh nghiệp không chấp hành Luật Công đoàn để cơ quan thuế đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra của năm tiếp theo. Cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế và trích nộp kinh phí công đoàn 2%.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra về thuế, nếu phát hiện người nộp thuế chưa thu, chưa trích và chưa nộp hoặc đã thu, đã trích nhưng chưa nộp kinh phí công đoàn thì đoàn thanh tra, kiểm tra thuế ghi nhận số liệu báo cáo của doanh nghiệp, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện thu, trích, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn, đồng thời thông báo đến cơ quan công đoàn phối hợp để đôn đốc.

Trong quá trình đôn đốc thực hiện Luật Công đoàn nếu doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện đóng kinh phí công đoàn thì cơ quan công đoàn phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp vi phạm, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật Lao động, pháp luật Công đoàn./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này