Tiếp tục hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng

15:14 | 29/09/2020
(LĐTĐ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn, số vụ án tham nhũng được phát hiện còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng.
Ngành Kiểm sát nhân dân nỗ lực trở thành “thanh bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh 5 "đại án", chống tham nhũng quyết liệt hơn

Cần đánh giá đúng tình hình tham nhũng

Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48, tháng 9/2020. Tại đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Chính phủ thì nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đánh giá về tình hình tham nhũng tại báo cáo của Chính phủ còn sơ lược, Chính phủ chưa đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020. Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc đánh giá, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình tham nhũng năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dự báo về tình hình tham nhũng giai đoạn tới để đề ra giải pháp phòng chống tham nhũng sát thực tế, hiệu quả.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, năm 2020, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình tham nhũng có chuyển biến mạnh theo xu hướng từng bước được kiềm chế và giảm dần; một số chỉ tiêu về công tác tư pháp đều đạt, vượt so với Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh, tỷ lệ thi hành án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn, số vụ án tham nhũng được phát hiện còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng.

“Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá đúng về tình hình tham nhũng, trong đó nhấn mạnh những ảnh hưởng, tác động của đại dịch đến một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật; việc xử lý tội phạm về tham nhũng của các cơ quan hữu quan phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm; tránh oan, sai, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế…”, kết luận nêu rõ.

Bên cạnh đó, Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì một số kiến nghị trong báo cáo của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế chính sách để phòng, chống tham nhũng còn chưa cụ thể, chưa làm rõ những văn bản cần ban hành mới, những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định còn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng chưa nêu rõ những vấn đề nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hữu quan có thể hướng dẫn thực hiện; những vấn đề nào thì cần phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.

Ngoài ra, cần rà soát, chỉnh lý, bổ sung thêm về số liệu và một số nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất giữa các Báo cáo của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.

Kiên quyết không còn “đất diễn”!

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ là tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, song cơ quan này cũng cho rằng, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.Hạn chế được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh là việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến. Còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước vàdoanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra,...Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến; thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhắc nhở, tại báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị trên của Ủy ban Tư pháp./.

H. Phong – N. Hoàng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này