Cần phải bàn bạc kĩ từng bước

15:04 | 22/09/2020
(LĐTĐ) Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh của Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) là một ý tưởng hay, tuy nhiên muốn thực hiện cần bàn bạc kĩ từng bước.
Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên "Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh"
Kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ khỏi “bệnh ô nhiễm”!
Sông Tô Lịch sẽ “hồi sinh” nhờ đường ống ngầm dẫn nước thải
Cần phải bàn bạc kĩ từng bước
Hình ảnh mô phỏng sông Tô Lịch sau khi được cải tạo thành công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh (Ảnh: JVE)

Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, hướng tới hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó có đặt ra mục tiêu là “tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước vv...”, ngày 15/9/2020 vừa qua, Công ty JVE đã gửi công văn báo cáo tới Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Khi đề xuất được đưa ra, có rất nhiều người cho rằng đây là một ý tưởng hay. Ông Nguyễn Mạnh Hoạt (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm, nếu khôi phục được thì sẽ làm sống lại cảnh quan đô thị, thêm sức sống và là điểm nhấn văn hóa gắn với lịch sử của Thủ đô và đất nước. “Với ý tưởng xây dựng không gian văn hóa trên dòng sông Tô Lịch tôi cho là một việc rất hay và cần thiết.

Tuy nhiên, theo tôi, việc cải tạo sông Tô Lịch từ trước đến nay không phải là việc đơn giản. Vấn đề ô nhiễm môi trường khiến sông Tô Lịch bị biến thành dòng sông “chết” từ nhiều năm nay. Do vậy, muốn xây dựng thành công viên lịch sử - văn hóa theo tôi việc đầu tiên vẫn là xử lý vấn đề ô nhiễm trước đã”, ông Hoạt cho hay.

Nói về việc xử lý ô nhiễm, ông Hoạt cho rằng, hiện nay sông Tô Lịch luôn trong tình trạng nước thải sinh hoạt, rác, nguồn thải từ nhiều tổ hợp sản xuất…vẫn đổ ra hằng ngày, do vậy trước mắt nên tìm phương án để xử lý nguồn nước xả thải hợp lý. Đồng tình với quan điểm này, anh Lê Văn Phú (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cho rằng, dù dự án có hay, có tốt đến thế nào thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu chỉ xử lý phần ngọn mà không tìm quyết sách giải quyết nguồn gốc rễ thì vẫn tốn ngân sách và hiệu quả chỉ là tạm thời thôi.

Tiếp đó, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Đình Đức, một người đã dành nhiều năm nghiên cứu sông hồ ở Hà Nội cho rằng, việc cải tạo sông Tô Lịch hiện nay mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa. Từ trước đến nay, chính quyền Hà Nội luôn chú trọng đến quản lý, phát triển các dòng sông, trong quy hoạch chung năm 1998 cũng đã có quy hoạch chi tiết cảnh quan 2 bên dòng sông Tô Lịch nhằm tận dụng lợi thế của sông, không chỉ giải quyết về mặt cải tạo môi trường mà còn tạo ra những giá trị di sản nhằm phát triển văn hóa, kinh tế.

“Gần đây nhất, hồi tháng 5/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã động thổ gói thầu số 2 - xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch (dài hơn 11 km, sâu từ 6-19 m) và cống chính thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này cũng được giới khoa học và các nhà nghiên cứu rất tin tưởng, ủng hộ. Đây được xem là giải pháp tối ưu giải quyết dứt điểm nước thải sinh hoạt tại sông Tô Lịch”, ông Hà Đình Đức chia sẻ.

Do vậy, trước đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh của JVE, ông Hà Đình Đức cho rằng đây là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, thực tế thực hiện như thế nào thì đơn vị đưa ra đề xuất cần phải công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể và rộng rãi cho người dân được biết. Đặc biệt, theo ông, muốn làm sạch sông Tô Lịch thì cần phải hiểu rõ nguồn gốc lịch sử của nó. Đề xuất thì hay, tuy nhiên có làm được như đề án hay không thì không phải điều đơn giản, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học liên ngành cần vào cuộc để đóng góp ý kiến.

Nếu muốn thực hiện được dự án này, theo Phó Giáo sư Hà Đình Đức, phải thực hiện từng bước và phải có kế hoạch cụ thể. Nếu xây cầu như mô phỏng của JVE thì cần nghiên cứu kỹ bởi sông Tô Lịch rất cạn, xây móng thì phải đào sâu lòng sông khá phức tạp.

Hơn nữa, không biết JVE đã tính đến độ sâu sông, các cầu đã bắc qua sông Tô Lịch có cản trở gì đến du lịch đường sông hay chưa. Về nguồn nước, phải có những phương án để có nước chảy vào, phải tạo nguồn nước vào để sông còn đi, sông có nước chảy thì mới là sông; rồi việc thu gom nước thải phải thu gom như thế nào…

“Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, phía công ty cần có sự góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam. Cần nghiên cứu kĩ các dự án đã từng thành công, thất bại từng làm trước đó trên sông Tô Lịch để lấy kinh nghiệm. Hoặc theo tôi, nếu có thể kết hợp với dự án xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thực hiện trước đó để mang tới những kết quả tốt đẹp hơn”, Phó Giáo sư Hà Đình Đức cho hay./.

Giang Nam – Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này