Liều thuốc đặc trị dành cho tin nhắn rác

09:13 | 22/09/2020
(LĐTĐ) Từ 1/10, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Với hàng loạt quy định mới cũng như mức xử phạt hành chính được tăng mạnh, nhiều người hi vọng rằng đây sẽ là liều thuốc kháng sinh hiệu quả giúp chặn đứng những vấn nạn đã hành hạ người dùng điện thoại từ nhiều năm nay.
Chặn 18.000 thuê bao di động vì phát tán cuộc gọi rác
Ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thư điện tử rác

Nhiều quy định mới

Suốt nhiều năm qua, vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã khiến người sử dụng điện thoại gặp phiền toái. Không chỉ ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống, nhiều người dùng còn rơi vào cảnh mất tiền oan khi vô tình nghe một cuộc gọi từ số điện thoại lạ hay nhấn nhầm vào 1 tin nhắn dịch vụ nào đó.

Trước vấn nạn này, ngày 14/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định thay thế số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác với quyết tâm “quét” sạch tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác.

Liều thuốc đặc trị dành cho tin nhắn rác
Tin nhắn rác đã trở thành vấn nạn gây phiền hà cho người dân nhiều năm qua (Ảnh: Lê Thắm)

Cụ thể, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã nêu rõ các quy định về việc quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại.

Theo đó, đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại, người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất.

Trường hợp người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

Nghị định cũng bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, phạt tiền từ 5-100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.

Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

Bên cạnh quy định về việc quảng cáo và bổ sung hình thức xử phạt, Nghị định cũng quy định về về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia danh sách các thuê bao từ chối nhận mọi quảng cáo (National Do not call-DNC) bằng cách cho phép các thuê bao đăng ký hoặc hủy đăng ký thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 5656 để có thể giám sát hoạt động gửi quảng cáo đúng luật và hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Kỳ vọng ngăn chặn triệt để vấn nạn

Với những điểm mới được quy định trong nghi định 91, đông đảo người dân tán thành sự ra đời của Nghị định đồng thời mong muốn các quy định sớm được triển khai trong cuộc sống.

Chị Lưu Ngọc Anh (Láng Thượng, Đống Đa) chia sẻ, hằng ngày chị nhận được khá nhiều tin nhắn quảng cáo về các trò chơi điện tử, cho vay mua nhà, quảng bá sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Dù đã xóa tin nhắn, chặn đầu số gửi đến, nhưng lại có đầu số khác tiếp tục gửi.

Theo chị, Nghị định 91 là một quy định pháp luật rất cần thiết ở thời điểm này khi mà vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác đang từng ngày quấy rối người dùng. Đặc biệt đầu số 5656 sẽ là công cụ tiện lợi để người dùng có thể chủ động ngăn chặn những cuộc gọi, tin nhắn rác không mong muốn.

“Hy vọng rằng, với những quy định chi tiết, rõ ràng, nghiêm khắc, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ là “lá chắn” hữu hiệu chống thành công cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thư điện tử rác. Qua đó giúp người sử dụng điện thoại thoát khỏi vấn nạn vốn đã tồn tại từ rất nhiều năm nay”- chị Anh bày tỏ.

Cùng chung suy nghĩ với chị Ngọc Anh, anh Đào Tài (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính; đề ra nhiều biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi rác là rất cần thiết.

Đặc biệt, Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa thế nào là cuộc gọi rác và phân biệt chúng với cuộc gọi quảng cáo. Theo đó, cuộc gọi rác là cuộc gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng. Trường hợp người dùng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay.

“Quy định chặt chẽ này không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo cơ sở để cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật”- anh Tài chia sẻ.

Cùng với sự kỳ vọng của người dân, Nghị định 91 cũng đang nhận được sự đồng tình của các chuyên gia luật. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, một phần do công tác quản lý còn buông lỏng, dẫn đến việc sim rác vẫn còn được bán tràn lan và dễ dãi. Một số doanh nghiệp, cá nhân hiện vẫn dùng sim rác để thực hiện dịch vụ quảng cáo, thậm chí lừa đảo. Việc truy vết ra các đối tượng thực hiện dù có thể làm được nhưng không dễ dàng với cơ quan chức năng.

Các quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP hết sức cần thiết, không chỉ tăng trách nhiệm bảo mật thông tin, mà còn tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc giám sát các doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo; ngăn chặn và xử lý dứt điểm tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mức phạt lần này tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP cho thấy, sự mạnh tay, quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Khung hình phạt của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP và các giải pháp kỹ thuật hiện đại được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được vấn nạn tin nhắn rác.

Có thể nói, nghị định Nghị định số 91/2020/NĐ-CP đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân vì những quy định cụ thể, chặt chẽ và mang tính răn đe cao.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này