Đảm bảo môi trường làng nghề ở huyện Phú Xuyên

14:13 | 22/09/2020
(LĐTĐ) Làng nghề đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Những năm qua, việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở. Chính quyền địa phương huyện Phú Xuyên đã triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát triển làng nghề như: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ một phần thiết bị sản xuất.
Nơi tuân thủ nghiêm túc, chỗ lơ là
Hà Nội phê duyệt Quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp làng nghề

Những tín hiệu tích cực

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt tại một số làng nghề, làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước đây, đa phần các xã của huyện Phú Xuyên là xã thuần nông chuyên sản xuất nông nghiệp lúa nước, tuy nhiên những năm qua cơ cấu lao động có xu hướng chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, số hộ, số lao động tham gia sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tăng lên nhanh chóng.

Đảm bảo môi trường làng nghề ở huyện Phú Xuyên
Sản phẩm làng nghề mây tre đan ở xã Phú Túc

Có thể thấy, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đang biến đổi một vùng quê nghèo khó trước đây thành một vùng quê có nền kinh tế hàng hoá phong phú, sầm uất, sôi động và giàu có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cũng đặt ra cho các làng nghề, làng nghề truyền thống ở Phú Xuyên những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Xã Phú Túc, bên những con đường được trải bê tông, trải nhựa hay lát gạch sạch, đẹp theo dọc địa phận xã, men theo rìa làng, dọc các thôn, từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một trong những lao động đã gắn bó với nghề mây tre đan từ nhỏ, chia sẻ, trước đây trong quá trình sản xuất mặt hàng mây tre đan có sử dụng rất nhiều hóa chất như lưu huỳnh, sút, dung dịch mạ, sơn màu... rất độc hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất đã hạn chế được rất nhiều chất thải độc hại xả ra môi trường.

Trong kho, xưởng của những tổ hợp, doanh nghiệp lớn nơi những người thợ trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm: Khò đốt, phơi khô, chỉnh sửa, phun sơn, đóng gói... đang chất cao thêm những thùng thành phẩm chờ ngày tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn May, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Phú Tuấn, cho biết: Nhiều năm nay công ty nổi tiếng với mặt hàng truyền thống mây tre đan được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Những thị trường thường xuyên có những đơn hàng lớn và luôn yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, không độc hại. Do đó, để đảm bảo đầu ra luôn đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của các thị trường, công ty đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài nhằm giảm thiểu nguy cơ xả thải ra môi trường, thân thiện với người sử dụng.

Huyện Phú Xuyên từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với nghề da giày, đặc biệt là làng nghề Phú Yên có lịch sử hàng trăm năm và trải qua nhiều thăng trầm do thời cuộc. Sau những năm tháng khó khăn, nghề da giày Phú Yên và một số làng nghề da giày khác giờ đã được phục hồi, phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đánh đổi với những thành công đó, làng nghề, các công ty sản xuất da giày phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Để giảm thiểu cảnh khói bụi và mùi của các loại chất thải, phế phẩm, tình trạng đốt rác thải bừa bãi... nhiều đơn vị da giày trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường.

Gắn bó với nghề làm da giày đã gần 5 năm, anh Nguyễn Văn Phi, quản đốc phân xưởng công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất da giày Việt Anh (thôn Tư Sản, xã Phú Túc) cho biết, hiện trong phân xưởng đã được đầu tư máy móc, thiết bị rất hiện đại, các loại máy gò, máy mài... đều có kèm theo máy hút bụi, hút mùi, dây chuyền sản xuất đều có hệ thống máy khử mùi tránh ảnh hưởng đến người lao động. Bên cạnh đó, lợi thế của công ty nằm trên khu vực rộng rãi, khang trang, hệ thống nhà xưởng thông thoáng, hàng ngày đều có nhân viên vệ sinh lau dọn nhà xưởng, đảm bảo môi trường làm việc.

Được biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tất cả nguồn nước, chất thải trong quá trình làm giầy đều đã được công ty xử lý bằng công nghệ hiện đại. Việc bố trí chế độ, vị trí và các chỉ tiêu giám sát bảo vệ môi trường được ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên phê duyệt năm 2017. Báo cáo quan trắc môi trường được thực hiện theo chương trình giám sát môi trường 6 tháng 1 lần (2 lần/năm)…

Ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề và phân bố không tập trung, với nhiều loại chất thải khác nhau nên khó khăn cho công tác thu gom và xử lý. Một số làng nghề giết mổ gia súc thôn Bái Đô, xã Tri Thủy và thôn São Hạ xã Quang Lãng, tại các làng nghệ xã Chuyên Mỹ... chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn huyện. Năm 2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức kiểm tra đối với 16 tổ chức, cá nhân và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 337,25 triệu đồng (6 trường hợp trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước với số tiền 100,25 triệu đồng và 10 trường hợp vị phạm về chất thải vật liệu xây dựng với số tiền 237 triệu đồng) trong đó một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề.

Đảm bảo môi trường làng nghề ở huyện Phú Xuyên
Công nhân lao động đang làm việc tại xưởng sản xuất công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất da giày Việt Anh

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, để khắc phục và tiến tới xử lý ô nhiễm làng nghề tại các xã nông thôn mới theo hướng bền vững, tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Ðặc biệt, tăng cường quản lý, kiểm soát chất thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện (khu xử lý rác thải tại xã Châu Can) với công nghệ tiên tiến, nhằm giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp. Cũng theo ông Vĩnh, chủ động ngăn chặn và giảm ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, chính là nhiệm vụ quan trọng được huyện Phú Xuyên ưu tiên giải quyết trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí đều trông chờ vào ngân sách, do đó hầu hết các địa phương trong huyện chỉ có thể tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng rác thải làng nghề tồn đọng đi xử lý, mà chưa thể đưa ra những giải pháp triệt để như xây dựng các lò đốt rác thủ công, hay xây dựng những chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm giảm tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề ra môi trường sống.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Xuyên đã và đang xây dựng quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý 500 tấn rác thải các loại/ngày, theo công nghệ đốt 2 cấp có xử lý khói thải, có thu hồi một phần nhiệt để sấy rác trước khi đưa vào lò đốt. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên kỳ vọng, việc nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tối đa nhu cầu xử lý rác thải của người dân tại các làng nghề nói riêng, huyện Phú Xuyên và một phần rác thải sinh hoạt của người dân các địa phương lân cận nói chung. Trước mắt, để hạn chế ô nhiễm môi trường, các địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp./.

Hữu Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này