Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về Trương Vĩnh Ký - người mở đường cho báo chí quốc ngữ

17:59 | 11/09/2020
(LĐTĐ) Nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, sáng nay (11/9), tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký.
Tiếp nhận hiện vật và tri ân các nhà báo tuổi 90
Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được thành lập
Con đường từ “không” đến “có”

Người dựng lên cột mốc báo chí quốc ngữ đầu tiên

Với sự chủ trì, dẫn dắt của GS. TS Đỗ Quang Hưng và bài thuyết trình mở đầu cuộc tọa đàm do diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến trình bày đã giúp cho đại biểu, sinh viên theo học ngành báo chí tham dự tọa đàm hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837-1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học… Ông để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật trong đó có nhiều tác phẩm bằng Pháp văn.

4058 img 2739
Toàn cảnh buổi toạ đàm về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Trương Vĩnh Ký ban đầu làm thông ngôn cho Pháp, sau chuyên dạy học tiếng Việt (cho người Pháp) và ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Cao-miên, tiếng Lào. Ông Trương Vĩnh Ký thông thạo 27 ngoại ngữ. Sự nghiệp của ông phi thường và hiếm có nhất là trong giai đoạn giao thời giữa văn hóa Đông Tây ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra, ông còn viết sách về đủ mọi loại: Dạy học, sưu tầm, nghiên cứu... phần lớn bằng quốc ngữ. Ông là người Việt đầu tiên đã triệt để khai thác chữ quốc ngữ bằng sách báo, viết hay dịch sách từ chữ Hán ra quốc âm.

Nếu A. de Rhodes có công phổ biến chữ quốc ngữ thì cũng chỉ phổ biến trong giới hạn truyền giáo, Trương Vĩnh Ký mới là người thực sự phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ trong dân gian, bất kể người có đạo hay không. Ông là người có công đầu trong việc đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực truyền giáo sang địa hạt văn chương. Từ Trương Vĩnh Ký trở đi, chữ quốc ngữ mới được dành một địa vị quan trọng trong văn hóa Việt.

Đặc biệt, tên tuổi ông gắn liền với tờ báo quốc ngữ "Gia Định báo". Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4/1865 đến tháng 1/1/1910, tờ "Gia Định báo" đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.

Tại tọa đàm, Ban Tổ chức cũng trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký, giúp độc giả hình dung rõ nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam qua các thời kỳ

Việc tổ chức toạ đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký là một trong những hoạt động mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

4132 img 2745
Tại tọa đàm, Ban Tổ chức cũng trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký, giúp độc giả hình dung rõ nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Chia sẻ tại toạ đàm, Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa cho biết, cách đây vừa tròn 1 năm, vào ngày 11/9/2019, đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Phó Chủ tịch Hội là nhà báo Nguyễn Bé làm Trưởng đoàn đã về thăm nơi sinh của Trương Vĩnh Ký và có mặt tại Bia tưởng niệm nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký khánh thành vào tháng chạp năm 1937 ở Cái Mơn (Bến Tre).

"Trước ngày khánh thành Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chúng tôi cũng đã được nhà báo Mai Sông Bé (Nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai) chuyển nhượng bức tượng Trương Vĩnh Ký mà ông rất yêu quý, gìn giữ. Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký đã dần dần giúp chúng tôi tiếp cận được một cách chủ động, tự tin hơn phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt của chúng ta mà Trương Vĩnh Ký là người đã dựng lên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên." - bà Trần Thị Kim Hoa cho biết.

Nếu như ở một huyện thuộc Bến Tre đã có một học bổng mang tên ông - Học bổng Trương Vĩnh Ký dành cho các học sinh vượt khó trong học tập và đạt kết quả học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của các trường trên địa bàn; ở thành phố Hồ Chí Minh có Trường Trung học phổ thông Tư thục mang tên Trương Vĩnh Ký được thành lập từ năm 1997; Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam mong rằng trong tương lai Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ có những nghiên cứu có chiều sâu hơn, và những trưng bày lớn hơn về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Đây cũng là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được tiếp tục đầu tư, theo đuổi lâu dài, khi mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao nhiệm vụ ngay từ khi thành lập, đó là nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ; là tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

Buổi tọa đàm là một hoạt động quan trọng mở đầu và sẽ được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục đầu tư, dàn dựng nhằm mục đích phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ; tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này