Ngành Bảo hiểm xã hội:

Đẩy mạnh thực hiện các Dịch vụ công quốc gia

12:03 | 10/09/2020
(LĐTĐ) Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công Quốc gia
Từ ngày 1/7, người dân có thể “kích chuột” chứng thực bản sao từ bản chính
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19
4140 cyng dych vy cong
Người dân có thể truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để sử dụng các dịch vụ.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành để tích hợp, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Tính đến nay đã có 15 dịch vụ công của ngành Bảo hiểm xã hội, dịch vụ công liên thông với các Bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, có 3 dịch vụ công nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, gồm các dịch vụ: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Với việc cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương nói chung và các dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, như: Người dân, doanh nghiệp chỉ cần có một tài khoản duy nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là có thể thực hiện tất cả các dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin, dịch vụ công các ngành, lĩnh vực, các địa phương tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; gửi phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đa phần là các dịch vụ công mức độ 4 (người dân và doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, không cần phải đi lại để gửi/nhận hồ sơ) nên giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người thực hiện dịch vụ công cũng như cơ quan cung ứng dịch vụ công.

Một tiện ích nữa là người sử dụng dịch vụ có thể sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Đồng thời, người sử dụng dịch vụ có thể theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ thủ tục hành chính không thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 31/8/2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận và giải quyết gần 3.500 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, một số dịch vụ công có tần suất thực hiện lớn như: Dịch vụ công cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất là 1.499 trường hợp; các dịch vụ công thanh toán trực tuyến (như gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện): 925 trường hợp.

Các dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: 838 hồ sơ. Trong đó, gần 300 hồ sơ hợp lệ được giải quyết, nhiều hồ sơ không hợp lệ chủ yếu do doanh nghiệp kê khai chưa đúng thông tin về mã đơn vị, mã cơ quan bảo hiểm xã hội… Đối với các hồ sơ không hợp lệ khi trả lại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều có thông báo, hướng dẫn cho doanh nghiệp điều chỉnh, bổ sung thông tin, thành phần hồ sơ một cách chi tiết, cụ thể./.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước năm 2019. Theo bảng xếp hạng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lần thứ ba liên tiếp đứng đầu trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ.

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo 3 khối cơ quan, đơn vị (các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; Trang/cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin; Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm và tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này