Ngăn chặn hiểm họa từ “chợ" vũ khí bất hợp pháp

12:09 | 10/09/2020
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước xảy ra những vụ tranh chấp có tính chất manh động liều lĩnh. Đối tượng sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ, trong đó có cả vũ khí quân dụng, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng người đối diện, thậm chí chống trả lực lượng chức năng, khiến dư luận bức xúc. Điều khiến dư luận không khỏi lo lắng lại là những vũ khí, công cụ hỗ trợ đang được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội.
Triệt phá đường dây mua bán công cụ hỗ trợ trái phép

Dễ dàng tìm mua

Chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản là người mua có thể tìm được các trang rao bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Bất chấp pháp luật, “chợ vũ khí” trên mạng hoạt động ngày càng biến tướng, đe dọa trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội.

4807 ynh 1
Vũ khí, công cụ hỗ trợ được cơ quan chức năng thu giữ

Mặc dù việc mua bán, sử dụng các loại vũ khí là vi phạm pháp luật, tuy nhiên tại nhiều trang mạng xã hội, núp dưới vỏ bọc là “dụng cụ hỗ trợ, dụng cụ tự vệ”, nhiều loại vũ khí như kiếm, roi điện, mã tấu, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn bi vẫn được rao bán công khai. Chỉ cần gọi điện là có thể mua được hàng. Gõ cụm từ “mua bán thiết bị tự vệ”, “súng Co2”, “mua đao kiếm”, “shop cung cấp vũ khí”… có thể thấy xuất hiện hàng loạt trang mạng xã hội nổi lên với rất nhiều loại vũ khí giao bán công khai và luôn thu hút đông đảo lượt like và bình luận mỗi ngày. Không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, chủ những tài khoản này còn công khai cả số điện thoại, giá tiền để người mua giao dịch.

Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán súng, đạn (vũ khí, công cụ hỗ trợ...) qua mạng. Tuy nhiên, tình hình mua bán công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội có xu hướng ngày càng phức tạp. Hầu hết các nghi phạm khi bị bắt đều khai mua bán loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Thủ đoạn chính của các đối tượng là không cần kê khai tên, địa chỉ, số điện thoại mà vẫn tạo được tài khoản ảo hoặc lập trang web riêng để giới thiệu, quay video clip hướng dẫn cách chế tạo, rao bán… Người mua chỉ cần ngồi một chỗ có thể mua bất kỳ lúc nào. Khi đồng ý mua bán thì giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thu hộ qua các công ty vận chuyển, bưu điện để qua mặt cơ quan chức năng. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá hành vi như trên gây khó khăn cho cơ quan công an.

Nhiều hệ lụy

Cũng chính vì việc mua bán vũ khí đơn giản nên thời gian qua, nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra. Gần đây nhất, ngày 7/9, Viện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Ninh đã phê chuẩn Lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Bắc Ninh đối với Nguyễn Văn Sướng (sinh năm 1968, trú Khu Lãm Trại, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Hàm Long về hành vi "đe dọa giết người".Trước đó, trưa 5/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip người đàn ông cầm một khẩu súng đe dọa người đi đường vì lý do chiếc xe tải đã chèn ép cả đoạn đường, không cho xe con vượt lên. Sau đó, người đàn ông này cất súng và lên xe di chuyển khỏi hiện trường. Cùng ngày, công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh)nhận được tin báo và khám xét nhà Đặng Trung Kiên (47 tuổi, ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng), liên quan đến việc bạo hành cháu Ngọc Anh (6 tuổi), công an thu giữ khoảng 7,7g ma túy các loại và nhiều tang vật, 1 khẩu súng K59 có 1 hộp tiếp đạn 7 viên, trong đó có 1 viên đã lên nòng; 1 bộ tiếp đạn bên ngoài có 7 viên đạn, 2 dao, 1 cân tiểu ly và khoảng 1007g ma túy tổng hợp.

Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả hoặc sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Hoặc phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép.

Bên cạnh đó, theo Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bị phạt tù từ 1-7 năm. Ngoài ra, còn có thể phạt tù từ 5-20 năm hoặc chung thân nếu phạm tội có tổ chức, vận chuyển, mua bán qua biên giới, gây thương tích, làm chết người, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng...

Tại địa bàn Hà Nội, liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng công an Thành phố tập trung trấn áp tội phạm, phát hiện triệt phá nhiều vụ mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép. Ngày 30/3 tại phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội). Nguyễn Đức Anh (29 tuổi, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông) và Đỗ Hồng Thái (30 tuổi, ở phường Phúc La) có mâu thuẫn và hẹn nhau nói chuyện. Sau đó, hơn 10 đối tượng hẹn gặp nhau rồi xông vào ẩu đả, lao ôtô vào nhau, có cả tiếng súng nổ trước tòa nhà ở quận Hà Đông. Ngay sau vụ việc, cơ quan công an vào cuộc, bắt giữ 8 đối tượng liên quan, trong đó có Đức Anh và Thái. Cảnh sát cũng thu một súng dạng bút, 3 xe ôtô cùng búa và dao.Trước đó, chiều 13/2, tổ công tác Y15/141 làm nhiệm vụ tại nút giao thông Võ Chí Công - Xuân La (quận Tây Hồ) phát hiện nam thanh niên điều khiển xe mô tô có cất giấu bên trong ba lô một khẩu súng và nhiều bộ phận như giảm thanh, ống ngắm, bình hơi. Lái xe là Bùi Đức Quyền (sinh năm 1987 ở Phù Ninh, Phú Thọ) khai nhận mua khẩu súng trên qua mạng với giá 5 triệu đồng…

Siết chặt hành vi mua bán vũ khí qua mạng

Trước tình hình rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Đồng thời, lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, nhất là phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để không thực hiện các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh để phát hiện các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các website, mạng xã hội, thuê bao viễn thông đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Không chỉ các cơ quan chức năng mà người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức để thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ. Sự hợp tác của người dân sẽ góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ những "chợ vũ khí" bất hợp pháp trên mạng.

Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay, theo quy định pháp luật đã có những chế tài để xử lý hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm. Trong đó có cả xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự (tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra). Chế tài xử lý đã có, tuy nhiên để ngăn chặn được tình trạng này hơn hết người dân cần phải tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không chỉ trông chờ vào việc xử phạt từ cơ quan chức năng./.

Hữu Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này