Gìn giữ nghề truyền thống tại làng dệt Phùng Xá

21:08 | 31/08/2020
(LĐTĐ) Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Nhờ việc cải tiến công nghệ sản xuất và mẫu mã, nghề dệt ở đây không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận.
Nơi tuân thủ nghiêm túc, chỗ lơ là
Người “thổi hồn” vào những viên đá ngọc thô ráp
Hội chợ Du lịch làng nghề truyền thống và sinh vật cảnh huyện Thanh Oai năm 2020

Đi khắp làng dệt Phùng Xá, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt, một âm thanh đặc trưng chẳng thể lẫn. Giờ đây, gần như cả làng đã chuyển dần sang dệt bằng máy công nghiệp nhưng vẫn có những người lưu giữ nghề ươm tơ dệt lụa theo cách truyền thống. Vào buổi sáng ở làng Phùng Xá, người dân và du khách có thể cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp ở nơi đây.

gin giu nghe truyen thong tai lang det phung xa
Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người Việt đầu tiên dệt vải từ tơ sen (Ảnh: Phương Ngân)

Trò chuyện cùng người dân, chúng tôi được biết làng dệt xã Phùng Xá đã trải qua gần 100 năm tuổi, khởi nguồn là ươm tơ dệt lụa qua các thời kỳ hợp tác xã, bao cấp của Nhà nước sau chuyển đổi sang sản xuất các các mặt hàng gia công và xuất khẩu sang Liên Xô cũ.

Đến nay làng nghề chuyển sang cơ chế thị trường các hộ gia đình, các công ty, doanh nghiệp hình thành và phát triển. Hiện nay làng nghề đã được Nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống, cùng đó Hiệp hội làng nghề dệt cũng được thành lập với hơn 75 thành viên trong đó có 35 công ty, hơn 40 cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tiêu biểu ở xã Phùng Xá không ai là không biết đến nghệ nhân Phan Thị Thuận, người đã mở lối đi mới cho nghề dệt tằm truyền thống, bà không ngừng tìm tòi cải tiến kỹ thuật để giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghề của quê hương.

Trước đó, nhận thấy việc cho ra những sợi tơ đẹp phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như người ươm tơ, máy ươm, máy xe tơ cùng nhiều công đoạn khác, bà Thuận đã tìm ra phương pháp điều khiển tằm tự dệt chăn tơ khiến nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến bằng niềm ngưỡng mộ. Cách làm đó đã giảm bớt sự vất vả cho người lao động và tăng năng suất tạo ra sản phẩm.

Tuy nhiên bằng niềm đam mê với nghề dệt, bà Thuận không đành lòng dừng lại khi chỉ đơn thuần là tìm kiếm một “lực lượng lao động” mà với ước mong nâng hàng Việt Nam lên một đỉnh cao mới ngày ngày bà vẫn trăn trở, suy nghĩ tìm thêm hướng đi mới và rồi bà đã nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. Theo đó sản phẩm lụa được bà tạo ra mềm mại, dịu dàng nhưng lại cực kỳ kiêu sa, với mùi thơm đặc trưng.

Ngoài nghệ nhân Thuận, Phùng Xá còn rất nhiều các hộ sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ. Theo người dân trong làng, sản phẩm dệt của làng chủ yếu là dệt khăn mặt với sự đa dạng về mẫu mã, kiểu cách. Để làm nên một sản phẩm khăn dệt phải trải qua nhiều công đoạn từ mắc sợi, dệt, tẩy nhuộm, may biên mép, in phun hoa văn… công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ của người làm.

Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề truyền thống, ông Nguyễn Duy Trường, Chủ tịch Hội làng nghề dệt Phùng Xá cho biết lao động thường xuyên tại địa phương từ 5.000 lao động trở lên, thu hút và giải quyết việc làm cho các xã bạn khoảng 2.000 lao động, ổn định công ăn việc làm, mức thu nhập bình quân 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Trải qua quá trình phát triển, từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hiện nay làng nghề hình thành các mô hình sản xuất có một cụm công nghiệp, có 3 xưởng tẩy nhuộm, 1 xưởng dệt bao bì, 1 xưởng kéo sợi cùng với các xưởng sản xuất khăn của một số doanh nghiệp, ngoài ra còn những doanh nghiệp nằm trong khu dân cư.

“Làng nghề dệt Phùng Xá có 1.556 máy dệt, trong đó có khoảng hơn 1.000 máy dệt công nghiệp, 200 máy mắc, 135 máy se sợi, 500 máy khâu. Thu nhập tính riêng của thủ công nghiệp chiếm 67% GDP toàn xã, bình quân đầu người trên 29.500.000 đồng/người/năm.

Nguyên liệu chủ yếu là trong nước và các nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài, sản lượng ước tính 1.000 tấn/tháng, hàng hóa cung cấp hầu hết các vùng miền trong nước, các siêu thị trong nước và xuất khẩu cho các nước như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... Các sản phẩm của làng với mẫu mã đa dạng được thị trường ưa thích và tín nhiệm”, ông Trường chia sẻ.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này