Nghệ thuật múa Thủ đô: Thành tựu sau 10 năm khởi sắc

19:32 | 29/08/2020
(LĐTĐ) Năm 2010, trong dịp Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội đã được đánh giá cao với các hoạt động, các chương trình biểu diễn… 10 năm trôi qua kể từ sự kiện trọng đại này, các nghệ sĩ đã tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu, đưa môn nghệ thuật múa đến với đông đảo công chúng.
Nhớ ký ức ngày khai trường của mùa Thu lịch sử
Âm nhạc dành cho thiếu nhi: Cần có những sáng tác mới

Ắt hẳn những người dân Hà Nội còn nhớ, trong lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nổi bật trong các hoạt động của Đại lễ là chương trình biểu diễn nghệ thuật trước khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Hoàn Kiếm lịch sử trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân và du khách. Chương trình đã giới thiệu, quảng bá được nhiều điệu múa cổ, truyền thống của dân tộc Việt trên địa bàn Hà Nội, thu hút, giành được cảm tình.

Đặc biệt, vở kịch múa “Ngọn lửa Hà Thành”, kịch bản của nhà nghiên cứu lý luận múa Thái Phiên, do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Công Nhạc làm tổng biên đạo múa trình diễn trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Vở kịch múa đã đạt được giải A dành cho tác phẩm trình diễn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng lý luận Văn hoc - Nghệ thuật Trung ương trao tặng.

Nghệ thuật múa Thủ đô: Thành tựu sau 10 năm khởi sắc
(Ảnh minh họa: BT)

Sau năm đó, các biên đạo chuyên nghiệp, hội viên của Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng đã dàn dựng nhiều tác phẩm Múa về đề tài Hà Nội khác thành công, được công chúng đón nhận và đạt huy chương, giải thưởng trong các kỳ hội diễn, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp hay hội diễn văn nghệ quần chúng Thủ đô như Múa mừng Cốm mới, Sắc Sen Tây Hồ, Sóng lúa ven đô…

Phát huy thành công đó, hầu như năm nào trong dịp lễ, Tết, lễ kỷ niệm trọng đại của Thành phố, Hội nghệ sĩ Múa cũng tổ chức các chương trình biểu diễn ở nơi đây và mang tới những kết quả tốt đẹp. Trong các đêm diễn này, Hội đã huy động được nhiều đoàn, đội văn nghệ quần chúng của các địa phương có những điệu múa cổ truyền, múa nghi lễ truyền thống như múa Chạy kiệu (Xuân Đỉnh); múa Cờ, múa Quạt, múa Trống hội (Thường Tín); múa Bống (hội làng Chiều Khúc); tổ khúc múa trong lễ hội Làng Gióng (Phù Đổng – Gia Lâm); múa đánh Giảo Long (Lệ Mật); múa Rắn lột (Trường Lâm – Gia Lâm); hát múa Cửa Đình ( Cổ Loa – Đông Anh).v.v…

Những năm gần đây, trong chương trình còn được bổ sung thêm các điệu múa dân gian, cổ truyền, múa nghi lễ cảu các dân tộc người Mường, Dao… ở khu vực các xã, huyện miền núi phía Ba Vì, Thạch Thất…. mới được sát nhập về Hà Nội. Đó là các điệu múa Chuông, múa Chũm Chọe (dân tộc Dao), múa Bông, múa Chằm Đuống, múa Cồng chiêng (dân tộc Mường).

Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Thái Phiên (Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội) cho biết, hằng năm, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hà Nội, Hội thường xuyên cử các đoàn cán bộ biên đạo, giáo viên… đi thâm nhập thực tế xuống các cơ sở làng, xã có những điệu múa cổ truyền nổi tiếng để tìm hiểu, sưu tầm hoặc giúp đỡ các địa phương này lưu giữ, bảo tồn những vốn múa cổ, quý báu đó. Với tình yêu nghệ thuật của mình, có cán bộ biên đạo, giáo viên đã tình nguyện ở lại nhiều ngày, giúp các đội văn nghệ quần chúng ở đó chỉnh sửa, sắp xếp, biên tập, dàn dựng lại… để đưa về biểu diễn trên quảng trường, đường phố Hà Nội trong các dịp lễ Tết, lễ kỷ niệm lớn của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức các trại sáng tác cho các hội viên. Qua lần tổ chức các trại, các trại viên tham dự đều đã viết được nhiều kịch bản, đề cương múa, dựng nhiều tác phẩm múa mới cho các đội văn nghệ địa phương tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng ở Thủ đô. “Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội đã tổ chức cuộc thi tài năng múa Thiếu niên – Nhi đồng; phối hợn với các trung tâm văn hóa tổ chức nhiều cuộc thi Liên hoan văn nghệ quần chúng và trong đó các tiết mục múa thường chiếm được những vị trí đáng kể! Trong những năm gần đây, Hội còn phát động cuộc thi “Tìm kiếm các điệu nhảy Việt Nam” phát động cuộc thi sáng tác, tác phẩm về đề tài Hà Nội, đề tài biển đảo quê hương…

Hội đã phối hợp với một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm… mở lớp tập huấn sáng tác, huấn luyện cơ bản cho các biên đạo múa, diễn viên không chuyên, giáo viên múa phong trào, giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn”, nhà nghiên cứu Thái Phiên cho biết.

Trong gần 10 năm qua, từ sau 2010 đến nay, Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội đã thu được nhiều kết quả thành tựu tốt đẹp, góp phần làm cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô đạt được những thành tựu đáng nhớ, để hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này