Phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa

16:47 | 27/08/2020
(LĐTĐ) Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Ngoại giao Việt Nam: Góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc
Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
Ngoại giao Việt Nam: Vững bước đi theo con đường của Bác

Tới dự, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Tham dự sự kiện còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao và đông đảo các thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ.

Phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập tới 3 cán bộ ngành Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đọc diễn văn về truyền thống lịch sử ngành Ngoại giao 75 năm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Trong suốt 75 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trải qua 75 năm, lực lượng cán bộ ngoại giao đã không ngừng lớn mạnh, từ 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, đã phát triển thành hàng nghìn cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ. Từ chỗ chỉ có 3 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đến nay, mạng lưới các cơ quan đại diện đã tăng lên 94 cơ quan ở khắp các châu lục trên thế giới.

"Ngoại giao đã góp phần quan trọng đưa cách mạng nước ta vượt qua bao thác ghềnh và in đậm dấu ấn của mình trên mọi chặng đường của đất nước, từ việc góp phần giành và giữ vững độc lập của Tổ quốc từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, đến công cuộc kháng chiến thành công trước thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.

Phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm quan Nhà truyền thống và Bộ tranh chân dung các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Hồng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền ngoại giao của nước ta đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện. 75 năm qua, ngành goại giao đã đạt được thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thủ tướng ghi nhận, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành Ngoại giao đạt các kết quả nổi bật. Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tốt nhiều chuyến bay, kể cả bay vào những vùng dịch nguy hiểm, đón gần 30.000 công dân về nước, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho nhiều đối tác nước ngoài, nhất là tại những địa bàn bị dịch nặng nề, đón hàng nghìn chuyên gia, nhà quản lý nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục làm việc.

Chúng ta đã hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho 49 nước và 2 tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống. Những nghĩa cử cao đẹp đó thể hiện truyền thống nhân văn của người Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Từ tháng 2 đến nay đã có trên 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nước ta với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, của ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới, Liên Hợp Quốc, G20, Phong trào không liên kết.

Phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động tới cán bộ ngành Ngoại giao. Ảnh: Nguyễn Hồng

Về phong trào thi đua của ngành Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, Bộ Ngoại giao đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sinh động, góp phần quan trọng để đạt được những thành tích đáng tự hào trên chặng đường 75 năm qua của ngành Ngoại giao.

Trong đó, chủ đề thi đua giai đoạn 2016-2020 của ngành là “Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã gắn công tác thi đua khen thưởng với nhiệm vụ chính trị, đưa phong trào thi đua trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

“Những thành tích mà các đồng chí đạt được chính là những bông hoa tươi sắc, góp phần làm rạng rỡ thêm vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước ta”, Thủ tướng ghi nhận.

Về nhiệm vụ của ngành Ngoại giao trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh các cơ hội cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức; công tác đối ngoại phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài gắn kết hài hòa với phát huy nội lực để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao vai trò vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành Ngoại giao cần làm tốt 5 nhiệm vụ chính trị. Trong đó, cần tập trung: Thúc đẩy quan hệ của ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững; Tăng cường ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm, đẩy mạnh đối ngoại đa phương; Góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú.

Phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao Cờ Thi đua Chính phủ năm 2019 tới 6 đơn vị tiêu biểu, xuất sắc thuộc Bộ Ngoại giao

“Nhớ tới lời Bác Hồ “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”, tôi chúc Bộ Ngoại giao và toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống 75 năm vẻ vang, đồng lòng, đồng sức, đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu cùng cả nước phát huy tốt nội lực để “tiếng chiêng” ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng vươn lên ngày càng lớn mạnh, phồn vinh “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của đất nước ta, như Bác Hồ của chúng ta hằng mong mỏi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ngành Ngoại giao cần thực hiện tốt “3 thi đua” do ngành đã đề ra trong thời gian tới, đó là: Tăng cường, nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước; Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tăng cường thi đua yêu nước ngành Ngoại giao với các cơ quan, bộ ngành, địa phương khác trong cả nước nhằm tạo nên nguồn lực tổng hợp phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập tới 3 cán bộ ngành Ngoại giao; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho 5 cán bộ ngành Ngoại giao; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Cờ Thi đua Chính phủ năm 2019 tặng 6 đơn vị xuất sắc, tiêu biểu thuộc Bộ Ngoại giao.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này