Việc đốt vàng mã tràn lan là không cần thiết

15:14 | 27/08/2020
(LĐTĐ) Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, đốt vàng mã ngày rằm tháng 7 là quan niệm sai lầm và việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay là không cần thiết.
Tục lệ đốt vàng mã: Đã bớt phần lãng phí
Nguy cơ cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết
Làm gì để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ?
2903 2
Ảnh minh họa: K.T

Ngay từ ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, người người nhà nhà đã lên kế hoạch chuẩn bị lễ cúng rằm chu đáo nhất. Người ta quan niệm rằng dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng đốt cho người âm. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người.

Trao đổi về vấn đề này Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, đốt vàng mã một cách linh đình trong ngày rằm tháng 7 là một việc mê tín đến khó tưởng tượng nổi. Thực tế, tục lệ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ở nước ta, do bị đô hộ của văn hoá Trung Quốc thời gian dài nên cũng bị ảnh hưởng bởi phong tục này. Theo những thống kê cho biết thì hàng năm, người Việt đốt vàng mã đến vài trăm tỷ đồng, thậm chí còn gây ra cháy nhà, cháy công ty, cháy công sở, khói bụi vàng mã bay ra đầu độc môi trường sống.

“Nếu chúng ta cứ để việc này tiếp tục như một thói quen, đến một ngày nào đó, nó sẽ trở thành thảm họa cho cộng đồng. Tôi cho rằng việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay là không cần thiết. Thay vì thời gian, công sức, tiền bạc dành cho lễ bái và đốt vàng mã cầu kỳ, những ngày lễ tết, giỗ chạp, chúng ta hãy dành “tài nguyên” đó để nghỉ ngơi, quan tâm đến những người thân yêu, “nạp năng lượng”, đánh giá rút kinh nghiệm các trải nghiệm trong công việc, cuộc sống và vạch ra kế hoạch đầu tư cho sự nghiệp, tương lai của con cháu”, ông Khanh cho hay.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cũng khẳng định, dịp Rằm tháng 7 còn được coi là mùa Lễ Vu Lan báo hiếu. Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

“Muốn thể hiện đạo hiếu trong mùa Vu Lan, điều quan trọng nhất là con cháu hiếu thảo thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất. Nếu không làm được việc đó, thì việc đi lễ chùa, mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng mã chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời giờ và tiền của”, ông Khanh nhấn mạnh.

K.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này