Theo đó, các đại biểu đều cho rằng cần đưa ra biện pháp quản lý giá thuốc và xác định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong dự thảo luật. Sở dĩ các đại biểu nêu vấn đề này là do dự thảo luật đã quy định nguyên tắc của quản lý nhà nước về giá thuốc là theo cơ chế thị trường thì nên xác định rõ những loại thuốc nào cần được quản lý nhà nước về giá, loại thuốc nào chỉ cần kê khai giá và công khai, minh bạch.
Giáo sư Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng nên quản lý giá thuốc bằng thặng số bán buôn, bán lẻ. “Có thể xây dựng hệ thống thặng số. Tôi lấy ví dụ ở Ấn Độ quy định cơ chế bán buôn thuốc của một nhà sản xuất dược phẩm với một công thức là giá bán không được vượt quá 200% giá xuất xưởng. Tôi thấy nhiều nước trên thế giới quản lý giá thuốc bằng thặng số rất đơn giản” – ông Truyền nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã ban hành thông tư về quản lý giá thuốc bằng thặng số. Tuy nhiên, chỉ áp dụng hiệu quả đối với thuốc sản xuất trong nước, còn với thuốc nhập khẩu thì rất khó khăn do không quản lý được giá đầu vào và các doanh nghiệp nhập khẩu tìm mọi cách hợp thức hóa chứng từ, đẩy giá đầu vào của thuốc nhập khẩu lên cao để thu lợi.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định trách nhiệm quản lý giá thuốc là của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm của 2 bộ này; nên hay không nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm: Về quản lý nhà nước về giá thuốc thì tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, vài ngày nữa sẽ họp với các chuyên gia để tiếp tục xác định trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
Hải Long
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/quan-ly-gia-thuoc-chua-bo-nao-chiu-trach-nhiem-chinh-11218.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này