Dạy trẻ kỹ năng tránh bị bắt cóc

21:33 | 24/08/2020
(LĐTĐ) Ngày 21/8, thông tin bé trai bị bắt cóc ở Bắc Ninh khiến người dân trên cả nước không khỏi bàng hoàng. Mặc dù hơn 1 ngày sau, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng và giải cứu cháu bé nhưng sự việc trên một lần nữa trở thành hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh phải cẩn trọng hơn khi trông nom trẻ, đặc biệt là cần dạy trẻ các các kỹ năng phòng chống tội phạm bắt cóc.
Lời cảnh tỉnh từ vụ bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc
10 dấu hiệu giúp con nhận diện những kẻ bắt cóc trẻ em
Hai chiến sĩ công an bị thương khi bắt đối tượng bắt cóc trẻ em

Những năm gần đây bắt cóc trẻ em đã trở thành một vấn nạn gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em và sự chủ quan của người lớn, nhiều trẻ đã trở thành nạn nhân của bọn bắt cóc, buôn người.

Mới đây, ngày 21/8, tại Bắc Ninh, trong lúc lơ là, anh Nguyễn Văn Hưng (phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh) đã để lạc mất con trai mình tại khu vui chơi thuộc công viên Nguyễn Văn Cừ. Ngay sau khi nhận được trình báo của anh Hưng, Công an tỉnh Bắc Ninh đã lập tức vào cuộc điều tra, tìm kiếm.

Sau hơn 24 giờ làm việc không ngừng nghỉ lực lượng chức năng đã tìm thấy cháu bé đồng thời bắt giữ Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê quán tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) - đối tượng bắt cóc cháu bé.

Tại cơ quan điều tra, Thu khai vì muốn quay lại với người yêu nên đã bắt cóc cháu bé để giả làm con của mình và người yêu.

Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh cần phải cẩn trọng hơn khi trông nom con trẻ. đặc biệt, cần dạy trẻ những kỹ năng phòng bị khỏi nguy cơ bị bắt cóc.

1756 loi canh tinh tu vu be trai 2 tuoi o bac ninh bi bat coc 21 5683
Đối tượng Nguyễn Thị Thu bị bắt giữ tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Phạm Đông)

Chia sẻ về vấn đề này, TS. tâm lý Trần Thành Nam cho hay, hiện nay, tình trạng bắt cóc trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Việc trẻ bị bắt cóc ngoài nguyên nhân thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp còn đến từ sự lơ là, chủ quan của chính các bậc phụ huynh.

Theo TS. Trần Thành Nam, trường hợp trẻ bị bắt cóc đa số đều có chung một đặc điểm là trẻ tách riêng khỏi người thân để chơi. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên mà phụ huynh nên dạy con là không nên tách riêng ra để đi chơi, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.

Tiếp đó, cha mẹ cần phải xây dựng các tình huống giả định tốt – xấu, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc cho trẻ.

Cụ thể, cha mẹ hãy nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó theo một cách dễ hiểu nhất; tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình. Trẻ cũng cần được dạy để nhận biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả.

Cùng với đó, cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ để thông báo cho “những người có thể tin tưởng” khi có tình huống xấu xảy ra.

“Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ. Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh”- TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này