TRÊN MẶT TRẬN PHÒNG, CHỐNG CHÁY, NỔ

Lấy phòng để tránh

11:25 | 20/08/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, các biện pháp phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô đã được duy trì thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế. Qua đó, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra được kiềm chế, kéo giảm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
An toàn cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng: Đề cao ý thức của mỗi người dân
Ứng phó sự cố về môi trường sau vụ cháy khu cảng Đức Giang

Hơn 60% số vụ cháy được xử lý kịp thời ngay khi phát sinh

Theo thống kê Công an Thành phố hiện đang quản lý hơn 23.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có hơn 10.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Qua phân loại theo loại hình hoạt động, có 1.332 công trình cao tầng, 959 chung cư; 1.446 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar…; 98 làng nghề, 223 chợ, 35 trung tâm thương mại, 471 cơ sở kinh doanh xăng, dầu; 646 cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng; 82 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao… Thành phố cũng có gần 500.000 nhà dạng ống, trong đó có trên 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh với mặt tiền thường bị bịt kín, không bố trí các lối ra khẩn cấp tại ban công, lối ra mái để thoát hiểm, thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp.

5422 4
Công an Quận Nam Từ Liêm tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Báo cáo của Công an Thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 204 vụ cháy (03 vụ cháy lớn, 02 vụ cháy nghiêm trọng, 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 71 vụ cháy trung bình, 122 vụ cháy nhỏ, 05 vụ cháy rừng). Thiệt hại về người: 06 người chết, 12 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 311 vụ chập điện trên cột, 399 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu…). So với cùng kỳ năm 2019 đã giảm 74 vụ cháy, 08 người chết, 09 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 38 tỷ đồng. So với 6 tháng trước giảm 81 vụ cháy, 01 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 194 tỷ đồng.

Nhìn chung, các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng, ban hành, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô. Mặc dù những tháng qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các mặt công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn được duy trì thực hiện với các hình thức phù hợp điều kiện thực tế. Qua đó, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra được kiềm chế, kéo giảm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đã được đổi mới, hướng tới nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tế. Nhờ vậy đã tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của đơn vị, cơ sở và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, hơn 60% số vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được lực lượng cơ sở, nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội còn những tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập; một số tiêu chuẩn không phù hợp thực tế, một số loại công trình mới nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng… Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã, đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương để rà soát, từng bước tham mưu, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cấp cơ sở có thời điểm chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong quản lý địa bàn, còn nể nang trong xử lý và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Thời gian tới, ngoài việc chỉ đạo các đơn vị duy trì công tác kiểm tra định kỳ hằng quý, 6 tháng, hằng năm theo quy định, Công an thành phố Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đợt kiểm tra (từ ngày 1/7 đến 30/9/2020) theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 18/6/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 204 vụ cháy (03 vụ cháy lớn, 02 vụ cháy nghiêm trọng, 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 71 vụ cháy trung bình, 122 vụ cháy nhỏ, 05 vụ cháy rừng). Thiệt hại về người: 06 người chết, 12 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 311 vụ chập điện trên cột, 399 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu…). So với cùng kỳ năm 2019 đã giảm 74 vụ cháy, 08 người chết, 09 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 38 tỷ đồng.

Trong đó, trọng tâm là kiểm tra công tác triển khai, thực hiện các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành; việc thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp theo Khoản 4, Điều 58 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Điều 56 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Đối tượng của đợt kiểm tra là các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn Thủ đô…

Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội thành phố cùng tham gia tuyên truyền trong công tác này. Đặc biệt, Công an Thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là Ủy ban nhân dân xã, phường để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, bởi đây là đối tượng chiếm 68% tổng số vụ cháy trong 7 tháng năm 2020.

Song song với đó, Công an thành phố Hà Nội cũng chú trọng tập huấn, kiện toàn, xây dựng lực lượng nòng cốt trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các đơn vị, cơ sở; tiếp tục làm tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật, nhưng không gây phiền hà cho tổ chức, công dân…/.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này