Bệnh chân tay miệng: Tuyệt đối không tự điều trị

09:10 | 20/05/2014
LĐTĐ -Hiện đang là mùa của một số dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não, sởi. Theo các chuyên gia, triệu chứng ban đầu các bệnh này đều có những điểm giống nhau, nên việc tự ý điều trị cho trẻ có thể gây ra những hậu quả rất nguy hiểm

Đến viện khi con đã nôn ra máu

Ths. BS  Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi trung ương cho biết, các bệnh mùa hè chủ yếu do virus, diễn biến nhanh. Triệu chứng ban đầu của trẻ thường sốt, xuất hiện những nốt ban đỏ… chính vì những đặc điểm này nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn. Trong khi đó, bố mẹ lại tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi chưa xác định được chính xác bệnh dẫn đến nguy hiểm cho trẻ. Một ví dụ điển hình là, một vài năm trước,thuốc ibuprofel được coi như thần dược hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ tốt cho những bệnh nhân mắc tay chân miệng nhưng lại kỵ với bệnh sốt xuất huyết vì nó gây chảy máu niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa.

Đáng ngại là, tình trạng bố mẹ tự ý điều trị khá phổ biến. Chỉ cần con hắt hơi, sổ mũi, sốt, ho… lập tức cha mẹ liền ra hiệu thuốc gần nhà, người thì đọc tên thuốc cần mua, người cẩn thận hơn thì nhờ dược tá”bán hàng kê đơn. Thậm chí, theo BS Đỗ Thiện Hải, đã có trường hợp bệnh nhi có cả bố lẫn mẹ đều là bác sĩ khi đưa con đến bệnh viện thì cháu bé đã nôn ra máu. Khi hỏi tiền sử bố mẹ cháu cho biết đã sử dụng ibuprofel hạ sốt, kết quả xét nghiệm của cháu bé lại là mắc bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, BS Hải nhấn mạnh, các bệnh do virus thường diễn biến nhanh nên việc đi khám kịp thời rất quan trọng. Để phòng tránh biến chứng đáng tiếc cho trẻ, sau 2 ngày cơn sốt không có dấu hiệu hạ, cần khẩn trương đưa trẻ đến viện, tuyệt đối không được tự ý điều trị.

Cứ mắc bệnh… là truyền dịch

Theo BS Hải, có tới 70%-80% trẻ ở tuyến dưới mắc bệnh tay chân miệng chuyển lên đã được tiêm kháng sinh, truyền dịch. Không ít trong số này bị mắc bệnh viêm phổi. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này theo BS Hải là do tâm lý bà mẹ thấy con sốt đã xin bác sĩ cho truyền để bù nước, bác sĩ nể nên đồng ý. Những bà mẹ khác thấy con người ta được truyền con mình không đưuọc truyền cũng lại thắc mắc. Nhưng mọi người, đặc biệt là các bác sĩ cần lưu ý khi truyền dịch phải đánh giá các triệu chứng của trẻ. Chỉ truyền dịch khi trẻ nôn nhiều, sốt cao kéo dài 2 ngày, ăn kém, mất nước, không nên lạm dụng truyền dịch. “Việc truyền dịch cần phải thận trọng, cần có chỉ định cụ thể về loại dịch, tốc độ truyền… nếu truyền đúng thì rất tốt, không thì nguy cơ rủi ro rất cao. Có thể dẫn đến viêm phổi, phù phổi, suy tim ở trẻ do quá thừa dịch”- BS Hải cảnh báo.

Đặc biệt với bệnh tay chân miệng có thể diễn biến  nhanh trong vòng 1-2 giờ. Vì thế, người chăm sóc trẻ không được bỏ qua các triệu chứng nặng của bệnh để xử lý kịp thời như: Trẻ giật mình vô cớ kèm theo ngủ gà; sốt trên 39 độ, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc. Một trong những biểu hiện sớm của rối loạn thần kinh khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường là trẻ ngủ 1 lúc xong tỉnh dậy quấy khóc. Hoặc có biểu hiện co giật; trẻ sốt liên tục, dùng thuốc không hạ; nửa ngày không đi tiểu... Để chủ động phòng tránh các bệnh lây nhiễm mùa hè, Ths. Hải khuyến cáo mọi người khi đến chỗ đông người, bệnh viện về phải vệ sinh sạch sẽ, nhất là đôi tay, cùng đó là nâng cao sức khỏe. Khi có người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế người nhà vào thăm để tránh lây bệnh; khi vào thăm nên đeo khẩu trang, về nhà cần vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm.

Phương An
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này