Nâng chất lượng thỏa ước lao động tập thể

12:05 | 13/08/2020
(LĐTĐ) Xác định thỏa ước lao động tập thể là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng chỉ đạo công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể
Đẩy mạnh thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Điểm tựa vững chắc của người lao động

Thêm lợi ích cho người lao động

Tính đến hết quý II/2020, theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở trong ngành, đã có 38/46 = 82% doanh nghiệp trực thuộc của ngành ký thỏa ước lao động tập thể và gửi về công đoàn ngành đưa vào Thư viện Thỏa ước lao động tập thể chung của thành phố. Nhìn chung, các nội dung thoả ước đã tập trung hơn vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới, nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động...

3703 img 6458
Hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động trong các cấp công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn được quan tâm.

Trong đó, có 50 cơ quan, doanh nghiệp quan tâm tới bữa ăn ca của người lao động với chất lượng khá tốt, 35 cơ quan, doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca với mức thấp nhất là 25.000 đồng vừa tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm có uy tín, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Nhìn chung, các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết có nội dung về bữa ăn ca của người lao động ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc trang bị thêm kiến thức về pháp luật lao động cho đoàn viên công đoàn và người lao động cũng ngày càng được quan tâm, sát sao. Bằng chứng là các cấp công đoàn ngành đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp....

Được biết, hiện công đoàn ngành cũng đang phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cùng với công đoàn cơ sở và 28 lao động Công ty CP cơ điện công trình đang chuẩn bị các điều kiện để khởi kiện Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty còn nợ lương người lao động, nợ đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2019 đến nay.

Cơ bản, nhờ bám sát cơ sở, các cấp công đoàn trong toàn ngành đều cơ bản nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, những tâm tư nguyện vọng của người lao động, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc, giải quyết kịp thời tranh chấp lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Luôn tinh thần, nhiệm vụ kép

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ công ích... đều gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động.

Đây là những xúc tác dẫn đến những bức xúc tác động đến tư tưởng tâm trạng của công nhân viên chức lao động và ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân viên chức lao động. Trước thực trạng trên, các cấp công đoàn trong ngành đã không ngừng đồng hành cùng lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, trực tiếp hỗ trợ, nắm bắt tình hình tư tưởng đoàn viên công đoàn và người lao động, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu cơ bản, cấp thiết, đặc biệt là bảo đảm về việc làm, tiền lương và tiền thưởng của người lao động.

Nhờ vậy, trong công nhân viên chức - người lao động không có diễn biến phức tạp xảy ra, đều an tâm, phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội của Thủ đô.

Từ nay đến cuối năm 2020, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội yêu cầu các công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình đời sống, việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động và tình hình quan hệ lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, hướng dẫn công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động tham gia phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật; tích cực tham mưu, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở doanh nghiệp.

Cùng với đó, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo Công đoàn cơ sở duy trì đối thoại định kỳ tại nơi làm việc nhằm trao đổi thông tin, thông báo kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; tuyên truyền pháp luật, chế độ chính sách giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.

Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động và nghỉ việc tập thể. Các hoạt động này giúp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động đồng hành, chung tay chia sẻ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để khôi phục lại sản xuất. Trường hợp phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, Công đoàn cơ sở kịp thời báo cáo với cấp ủy và phối hợp chính quyền địa phương để có phương án giải quyết, không để xảy ra kéo dài, lây lan./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này