Nhập viện vì lạm dụng vitamin

09:26 | 27/05/2014
LĐTĐ -Dù con gái 8 tháng tuổi ăn, ngủ bình thường nhưng lo dịch sởi tấn công, chị Thu ( Hoàng Cầu, Hà Nội) đọc trên mạng thấy các mẹ khuyên nhau nên bổ sung vitamin A, D, C tăng sức đề kháng cho con. Nghe có lý, chị liền mua cho con uống.



Nhập viện vì uống quá liều

Ngày nào cũng như ngày nào, chị dặn bà cho cháu uống 3 loại vitamin trên sau khi ăn. Một tháng sau, con chị  Thu lười ăn hơn, không có dấu hiệu tăng cân thậm chí suốt ngày nôn trớ. Sốt ruột, chị bế con đến bệnh viện. Sau khi bác sĩ thăm khám, chị Thu mới tá hỏa khi biết con chị bị như vậy là do uống quá liều vitamin.
Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, việc bổ sung vitamin khi trẻ bị thiếu là hết sức cần thiết, nhưng bổ sung một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng vitamin lại dẫn đến tình trạng mắc một số bệnh do thừa vitamin. Trường hợp con chị Thu vẫn còn may, bởi được đưa đến viện sớm. Đã có trường hợp đến viện trong tình trạng bị ngộ độc do thừa vitamin A. Trẻ đến viện trong tình trạng nôn liên tục do  tăng áp lực nội sọ. Có trẻ ôm đầu khóc, rối loạn thần kinh gần như không làm chủ được mọi hành vi.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh, việc phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ khá phổ biến hiện nay không những không có lợi mà vô tình làm cho trẻ thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc...  Chính điều này làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao khiến cạn kiệt dự trữ vitamin A trong trẻ. Chưa kể uống quá nhiều vitamin C liều cao khiến phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ cơ xương...  Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ thừa vitamin nhưng vẫn còi xương, chậm lớn.  “Ngoài ra, nếu trẻ bị thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Thừa vitamin D có thể làm trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp bị thiểu năng. Bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong…”- Bác sĩ Hải cảnh báo.

Cần dùng theo chỉ định của bác sĩ

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, khi chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng bị thiếu vitamin cần phải bổ sung. Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C) hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...). Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ cần chú ý dùng đúng chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng xấu do quá liều. Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể dùng liều cao hơn, theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa. Phụ huynh khi sử dụng vitamin và khoáng chất dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ dưới một tuổi và dưới bốn tuổi. Trong trường hợp trẻ phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, phải tham khảo thầy thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

Đặc biệt, vitamin không thay thế được thức ăn, vitamin luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...). Vì thế, các bậc phụ huynh vẫn phải duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

Tại kết quả nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam năm 2013 do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành vừa được công bố mới đây cho thấy, tình trạng thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu iốt đã giảm nhiều trong những năm qua nhưng vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe người dân, nhất là trẻ em.  Trong năm 2013, nước  ta có gần 26% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi; tức là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi.

Phương An
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này