Kịp thời các giải pháp hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại Đà Nẵng và Quảng Nam

15:02 | 07/08/2020
(LĐTĐ) Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị: Cán bộ công đoàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở để nắm tình hình, có số liệu báo cáo, đề xuất với Tổng Liên đoàn, để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cắt giảm các hoạt động, tập trung nguồn lực chăm lo đoàn viên, người lao động
Công đoàn tiếp tục “Chủ động - Tích cực - Sáng tạo - Trách nhiệm” vì đoàn viên, người lao động
Kịp thời khen thưởng các sáng kiến trong phòng chống dịch Covid-19

Sáng nay (7/8), Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi làm việc.

Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn, đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam.

0545 117219380 648857249057225 748897253679606280 n
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi làm việc.

Đà Nẵng: Cho phép miễn lãi vay từ tháng 4-9/2020 từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo

Báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: Từ khi dịch khởi phát tại Đà Nẵng (từ ngày 25/7), những doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ dừng hoạt động; doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn sản xuất bình thường, các cấp công đoàn, nhất là công đoàn trong doanh nghiệp đã nhanh chóng khởi động lại các biện pháp phòng ngừa tại đơn vị.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành Du lịch, Giao thông, Giáo dục, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, số công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) toàn thành phố bị ảnh hưởng là 56.081 người, trong đó tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch, dịch vụ là 44.274.

Về tình hình đoàn viên, CNVCLĐ bị nhiễm bệnh, đến ngày 7/8/2020, đã có 39 trường hợp bị mắc bệnh Covid-19, trong đó có 30 đoàn viên là nhân viên y tế trong bệnh viện, giáo viên các trường học và 9 công nhân. Trong số này, số người nhiễm bệnh ở đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn là 7 người.

Cũng theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, trong các Khu Công nghiệp và Khu công nghệ cao hiện nay có 514 doanh nghiệp, trong đó: 103 doanh nghiệp bị tác động lớn, 55 doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, 12 doanh nghiệp ngừng việc, 2.803 người lao động phải nghỉ việc từ 7-14 ngày. Số người phải cách ly là 1.664 người, nhưng số liệu này có biến động hàng ngày.

Qua nắm bắt từ các công đoàn cơ sở, đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có hơn 9.500 người nghỉ việc, với thời gian nghỉ từ 7-14 ngày.

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành có cơ chế mở thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh.

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, hiện nay dù chỉ có 1 ca bệnh nhưng doanh nghiệp phải đóng cửa, cho nghỉ toàn bộ công nhân lao động, với số lượng đông, kéo dài từ 14-30 ngày, do đó doanh nghiệp sẽ khó đảm bảo tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội.

“Việc yêu cầu người lao động tự mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình trong lúc không việc làm, không có thu nhập khiến đời sống người lao động khó khăn hơn. Vì thế, việc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam dùng quỹ bảo hiểm y tế để duy trì thẻ cho người lao động bị mất việc làm trong 3-5 tháng là việc làm cần thiết, nhân văn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đề xuất.

LĐLĐ Đà Nẵng cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng của LĐLĐ thành phố để chi cho công tác hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cho phép miễn lãi vay từ tháng 4-9/2020 từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thuộc Liên đoàn Lao động thành phố để góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động đang vay vốn tại Quỹ…

kip thoi cac giai phap ho tro doan vien nguoi lao dong tai da nang va quang nam
Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn, đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam.

Quảng Nam: Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 643/QĐ-TLĐ

Tại tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, đến 7/8 có 1 ca (ca bệnh 614) là người Đà Nẵng công tác tại Công ty Giày Reiker Việt Nam (Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) được phát hiện ngày 3/8, là quản đốc của 8 chuyền với 375 công nhân lao động.

Sau khi được công bố dương tính, Công ty phối hợp với cơ quan phòng, chống dịch của tỉnh đến phun độc, khử trùng tại xưởng và cho công nhân lao động của xưởng B nghỉ làm và yêu cầu tất cả các công nhân lao động có tiếp xúc với bệnh nhân 614 đến khai báo y tế.

Về tình hình CNVCLĐ, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cho biết, tại các địa phương đang thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp cho công nhân lao động nghỉ. Công nhân lao động ở Đà Nẵng làm việc tại Quảng Nam được các doanh nghiệp cho nghỉ, thực hiện cách ly; một số doanh nghiệp thực hiện nghỉ giãn cách xã hội, còn lại do yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục bố trí công nhân làm việc nhưng thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch.

Cụ thể như: Công ty Giày Rieker Việt Nam thực hiện giãn cách 3 tuần, hiện tại Công ty đang tổ chức hoạt động để duy trì sản xuất giảm thay phiên 80% số lượng công nhân. Một số công ty cho công nhân lao động nghỉ việc ít nhất 1 tuần như: Công ty CP May Hòa Thọ Quảng Nam (Thăng Bình), Công ty TNHH Sedo-Vinako, Công ty Phước Hữu Duyên (Duy Xuyên),…

5 doanh nghiệp ngừng sản xuất với gần 1.000 công nhân lao động gồm: Công ty TNHH MTV Con Đường Xanh Quảng Nam, Công ty CP Nhựa miền Trung, Công ty CP 559, Công ty Nguồn lợi Thủy sản, Công ty Pittông.

Qua nắm bắt cơ sở, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay có khoảng 400 công nhân lao động trên địa bàn nghỉ đến hết tháng 8/2020, được doanh nghiệp hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng.

Về kiến nghị với Tổng Liên đoàn, đồng chí Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét lại điều kiện để được nhận hỗ trợ, có thể đối tượng được hỗ trợ không phụ thuộc vào đối tượng được nhận theo Nghị quyết 42/NQ-CP hoặc nâng mức thu nhập của người lao động cao hơn mức lương cơ sở để tạo điều kiện cho các đoàn viên khó khăn được nhận hỗ trợ.

LĐLĐ tỉnh cũng đề xuất nâng mức được hỗ trợ lên 1.000.000 đồng/người; kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 643/QĐ-TLĐ đến hết ngày 31/12/2020.

Công đoàn cần chủ động nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị: LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cần kích hoạt hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nắm bắt tâm tư người lao động, ổn định tình hình CNVCLĐ. Đồng thời, cần sử dụng tất cả các nguồn lực của tổ chức Công đoàn để chăm lo cho công nhân lao động; đặc biệt đến những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật đề nghị, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương, LĐLĐ hai địa phương cần tuyên truyền để đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động làm việc với chủ doanh nghiệp, trong trường hợp ngừng việc, phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh, đại diện Ban Tài chính, Ban Quan hệ Lao động, Ban Chính sách Pháp luật Tổng Liên đoàn đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị, hướng dẫn hai địa phương thực hiện các quyết định hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đã bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền hai địa phương và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch.

kip thoi cac giai phap ho tro doan vien nguoi lao dong tai da nang va quang nam

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc trực tuyến với LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và LĐLĐ tỉnh Quảng Nam về các giải pháp hỗ trợ đoàn viên, người lao động

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị lãnh đạo LĐLĐ hai tỉnh, thành phố quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trực tiếp đi cơ sở nắm bắt ý kiến, tư tưởng của đoàn viên, người lao động trực tiếp, cũng như chủ động nắm bắt thông qua mạng xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị, các cấp công đoàn tại hai địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động thực hiện đầy đủ chỉ đạo của trung ương và địa phương về công tác phòng chống dịch. Trong đó, phải tuyên truyền để người lao động không hoang mang, hoảng sợ, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, cán bộ công đoàn cần chủ động xuống cơ sở, làm việc với chủ doanh nghiệp để ổn định tình hình, tâm lý, đồng thời thương lượng các giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập, hỗ trợ cho người lao động.

“Cán bộ công đoàn hai địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở để nắm tình hình, có số liệu kịp thời báo cáo, đề xuất với Tổng Liên đoàn, để có các giải pháp hỗ trợ đoàn viên, người lao động”, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị.

Với đoàn viên, người lao động bị nhiễm bệnh, bị cách ly, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị lãnh đạo LĐLĐ hai địa phương kịp thời có các chính sách hỗ trợ, thăm hỏi.

Với những đối tượng trong diện hỗ trợ theo các chính sách, và quyết định Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành, đề nghị LĐLĐ tỉnh hai địa phương xem xét chi hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng nguồn theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Về những kiến nghị liên quan đến bổ sung nguồn kinh phí và kéo dài thời gian chi hỗ trợ, thăm hỏi, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị hai địa phương tiến hành rà soát cụ thể (về số lượng, điều kiện, vướng mắc…), sau đó tập hợp gửi về để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, hướng dẫn.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này