Ngành Kiểm sát nhân dân nỗ lực trở thành “thanh bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng

17:26 | 25/07/2020
(LĐTĐ) Những năm qua, với sự nỗ lực thống nhất của toàn Ngành, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt nhiều kết quả xuất sắc qua đó, tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Những tài liệu về người phạm tội mà Viện kiểm sát phải gửi cho Công an
6 tháng, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khởi tố 6.232 bị can

Căn cứ vào Hiến pháp năm 1959, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Theo đó Luật quy định, Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của hệ thống cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Kể từ ngày 26/7/1960, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự phối hợp của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

1650 nqh05122 1595600002740292909469 0 0 1280 2048 crop 15956000318061154673459
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ngành Kiểm sát nhân dân nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân. (Ảnh: VKSNDTC)

Được Quốc Hội tin tưởng giao chức năng Hiến định thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.

Cụ thể, đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, những năm qua, toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 93%, tăng 9,5%, vượt 3% chỉ tiêu của Quốc hội; việc ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết nguồn tin tăng 12%; ban hành yêu cầu điều tra tăng 11,6%; số vụ án trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra tăng 16,5%; công tác giải quyết án được đẩy nhanh, tỷ lệ giải quyết vượt 9,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

1826 vt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng nhất cho đồng chí Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: VKSNDTC)

Bên cạnh đó, Công tác xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế được Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế được Đảng và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Các vụ án điển hình có thể kể đến như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm phạm các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ Đinh La Thăng cùng đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); vụ Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Tổng công ty đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; vụ Nguyễn Bắc son và đồng phạm “vi phạm quy định về quản lý vốn và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty truyền thông Mobifone và công ty AVG; vụ Hà Văn Thắm cùng đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng OceanBank; vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát lãng phí, vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại thành phố Đà Nẵng…

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án này, Viện kiểm sát kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng nhiều biện pháp như kê biên, phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản, vật chứng ngay từ đầu quá trình điều tra, qua đó hạn chế tình trạng bị can tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án giải thích, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục thiệt hại đã gây ra, góp phần thu hồi số lượng lớn tài sản tham nhũng. Điển hình như trong vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt). Đây cũng là vụ án đạt hiệu quả thu hồi tài sản “tròn trịa nhất” lịch sử tố tụng ngành Kiểm sát.

Có thể thấy, với những kết quả đã đạt được trong 60 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực sự trở thành “thanh bảo kiếm” trong công tác phòng chống tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tiếp tục khẳng định thêm niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này