Tuần phim Asean, kết nối văn hóa cộng đồng

13:06 | 21/07/2020
(LĐTĐ) Tuần phim Asean 2020 vừa khai mạc tại Hà Nội với những bộ phim đến từ 9 quốc gia thành viên Asean. Đây là sự kiện văn hóa chào mừng “Năm Chủ tịch Asean 2020” của Việt Nam, đồng thời góp phần tiếp tục kết nối các nền văn hóa của các quốc gia Asean.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dự Tuần lễ phim ASEAN tại Ottawa
"Bao giờ cho đến tháng Mười" dự Liên hoan phim ASEAN
Việt Nam có hai tác phẩm tại Liên hoan phim ASEAN 2017

Phát biểu tại buổi lễ Khai mạc Tuần phim, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Tuần phim nhằm hướng đến mục tiêu giới thiệu văn hóa, cuộc sống, con người của các quốc gia thành viên Asean, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các nước trong khu vực, góp phần mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, phát triển du lịch.

1135 tinh yeu hay tiyn ty
Phim Thái Lan “Tình yêu hay tiền tỷ”

Mặc dù dịch Covid-19 còn phức tạp, song các quốc gia thành viên Asean đã tích cực gửi phim tham gia sự kiện văn hóa quan trọng của Asean do Việt Nam tổ chức. Các tác phẩm điện ảnh mới của các nước Asean sẽ tạo nên không gian văn hóa hấp dẫn để mỗi người dân Asean, bạn bè quốc tế biết đến bản sắc Asean.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, Tuần phim Asean mang khẩu hiệu “Asean gắn kết và chủ động thích ứng”, trùng với chủ để của năm Việt Nam làm Chủ tịch Asean. Tuần phim Asean 2020 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chính trị, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch Asean trong năm 2020; khẳng định Việt Nam trong năm Chủ tịch Asean 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu duy trì, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, sự kiện thể hiện hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, đổi mới và giàu tiềm năng; quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của dải đất hình chữ S. Qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch Asean trong năm 2020.

Để tạo sức lan tỏa, tuần phim sẽ được tổ chức tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhấn mạnh tuyên truyền, định hướng xã hội, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam "hiếu khách, nhã nhặn, thuận hòa, tình nghĩa". Tuần phim sẽ giới thiệu đến khán giả 9 bộ phim đặc sắc đến từ 9 thành viên quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 8 phim truyện và 1 phim hoạt hình bao gồm: Nghìn lần hóa thân của Ranggau (Brunei), Tình yêu non dại (Campuchia), Aruna và khẩu vị yêu thích (Indonesia), Hết đát (Lào), Bộ phim về Ejen Ali (Malaysia), Những người phụ nữ của dòng sông khóc than (Philippines), Những đứa trẻ kinh kịch (Singapore), Tình yêu hay tiền tỉ (Thái Lan) và Hạnh phúc của mẹ (Việt Nam). Các bộ phim được trình chiếu đều là những tác phẩm đặc sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, vẻ đẹp con người, thiên nhiên của mỗi nước.

Ngay sau lễ khai mạc, khán giả đã có cơ hội theo dõi bộ phim “Hạnh phúc của mẹ” của điện ảnh Việt Nam. “Hạnh phúc của mẹ” đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2020. “Hạnh phúc của mẹ” thật ra là một câu chuyện đẹp. Đẹp từ bối cảnh phim, những cánh đồng muối trắng xóa trải dài vô tận, những cung đường hoang sơ cho đến hình ảnh người nông dân làm muối (diêm dân) cũng trở nên thật đẹp qua ống kính của đạo diễn Huỳnh Đông. Ở cánh đồng muối trắng bạt ngàn, cái khắc khổ, đen đúa của làn da người nông dân như bị màu trắng của muối phản chiếu ngược lại. Giữa cánh đồng muối ấy là cuộc đời làm lụng kham khổ của mẹ Tuệ. Chị ngày ngày bon bon trên chiếc xe lam cùng bé Tim, đối mặt với cái nghèo, nhưng hai mẹ con không hề khổ. Hai người có nhau và như vậy là đủ. Bộ phim là một khắc họa văn hóa đời sống của người dân Việt Nam.

Tại Tuần phim, khán giả được xem lại tác phẩm ấn tượng về “khởi nghiệp” của điện ảnh Thái Lan “Tình yêu hay tiền tỷ?”, một bộ phim tình cảm lãng mạn nói về sự cạnh tranh khốc liệt trong thương trường. Đây là một câu chuyện Romeo và Juliet trong thời đại số và cũng có thể nói đây là phim dành cho các bạn trẻ bởi vì người lớn không hiểu được rằng việc tự mở công ty riêng đã là một rủi ro lớn. Mặc dù “Tình yêu hay tiền tỷ?” trông có vẻ như là một bộ phim tình cảm hài hước nhưng trong đó chứa đựng rất nhiều khía cạnh thực tế và những điều thú vị. Bộ phim phản ánh nét văn hóa đời sống của Thái Lan trong thời đại công nghệ số.

1130 hynh phuc cya my
Phim Việt Nam “Hạnh phúc của mẹ”

Phim xoay quanh Bomb (Nat Kitcharit) và June (Warisara Yu), hai nhà sáng lập của hai công ty start-up về app điện thoại vô tình gặp nhau trên con đường loay hoay tìm kiếm chỗ đứng trong giới. Họ trở thành bạn và “cảm nắng” nhau sau khi nhận ra có nhiều điểm tương đồng. Cuộc gặp gỡ định mệnh đó đã vô tình truyền cảm hứng cho cả hai người về một app điện thoại có thể tìm kiếm và kết nối những người có cùng sở thích cá nhân. Sau khi ra mắt, cả hai app đều nhận được sự ủng hộ từ đại đa số người dùng, nhưng vì quá giống nhau từ ý tưởng đến chức năng, Bom và June đã chuyển từ bạn sang địch thủ trên thương trường. Cả hai công ty không từ bỏ bất cứ kế hoạch nào, thậm chí là... cài gián điệp vào trong công ty đối thủ để giành được số tiền đầu tư lên đến 100 triệu baht. Càng về sau, kế hoạch này càng đi quá xa và khiến cả đôi bên cùng gặp những thiệt hại dở khóc dở cười.

Tại Hà Nội, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18 giờ và 20 giờ các ngày từ 18 – 22/7, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình). Các phim trong khuôn khổ Tuần phim Assean 2020 được chiếu miễn phí, vé mời xem phim được phát tại rạp.

Một tác phẩm hoạt hình được xem là bom tấn của điện ảnh Malaysia “Câu chuyện về Ejen Ali” đã từng đốn tim khán giả châu Á khi phát hành ở nhiều quốc gia. Đây là một bộ phim đầu tiên được thực hiện bởi hãng WAU Animation, được đạo diễn bởi Usamah Zaid Yasin và đồng sáng tác. Bộ phim có giá 6,5 triệu đô la bao gồm cả chi phí quảng bá. Đội ngũ làm phim bao gồm tổng cộng 80 nhà thiết kế hoạt hình và họa sĩ đồ họa địa phương. Việc sản xuất bộ phim này sử dụng công nghệ kỹ thuật số chất lượng cao. Các đoàn làm phim trung bình sản xuất bộ phim hoạt hình này nằm trong độ tuổi từ 25 đến 28. Quá trình làm phim mất khoảng một năm rưỡi để hoàn thành. Bản nhạc phim là một điểm ấn tượng được sáng tác bởi nhạc sĩ nổi tiếng Azri Yunus. Azri Yunus cho biết sự khác biệt về điểm số âm nhạc trong sê-ri với bộ phim này là họ muốn đặt giá trị ngây ngất hơn bằng cách đặt nhiều cảm xúc hơn để khiến khán giả gắn bó trong rạp chiếu phim.

Cũng với những bộ phim đến từ các quốc gia Châu Á khác như Lào, Campuchia, Indonesia…, Tuần phim Asean 2020 đã kết nối các nền văn hóa đa dạng và đầy sắc màu.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này