Mắc bệnh dại án tử được báo trước

08:45 | 27/06/2014
LĐTĐ -Được biết đến là bệnh nguy hiểm, không có thuốc đặc trị, 100% tử vong khi đã phát dại, nhưng người dân vẫn chủ quan nuôi chó thả rông, không đi tiêm phòng dại cho chó, nhiều trường hợp bị chó cắn không đi tiêm phòng

Hầu hết bệnh nhân đến viện muộn

Mặc dù  sau một thời gian dài liên tục giảm, đến nay bệnh dại đang có xu hướng tăng. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại. Các ca mắc dại tử vong tập trung chủ yếu tại miền Bắc với 19/22 trường hợp (86%); miền Trung có 3/22 trường hợp (14%). Trong đó 3 tỉnh thành có số ca nhiều nhất là: Thanh Hóa; Yên Bái và Tuyên Quang. Bộ Y tế nhận định, bệnh có thể gia tăng vào mùa hè do tăng các ổ dịch dại trên đàn chó trong thời gian này. Riêng ở Hà Nội, sau 2 năm vắng bóng, bệnh dại tái xuất với 2 trường hợp tử vong. Tất cả các trường hợp tử vong này đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Tiêm phòng là cách phòng dại tốt nhất cho chó, mèo

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có 7 trường hợp mắc dại nhập viện. Bệnh nhân đến từ Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên. Sai lầm thường gặp nhất ở những ca tử vong do bệnh dại là người bị cắn không theo dõi chó và bản thân cũng không đi tiêm phòng. 100%  bệnh nhân vào viện khi đã muộn nên không thể cứu được. BS Cấp nhấn mạnh, do nhận thức hạn chế, cộng với tâm lý “ tiếc tiền” của người dân nên không ít người khi bị chó, mèo dại cắn đã tìm đến thuốc nam với hy vọng chữa khỏi, nhưng trên thực tế nếu không tiêm phòng, hiện chưa có loại thuốc nào có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại.

Cần tiêm phòng vắc xin dại chó mèo

Để khống chế bệnh dại, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, thời gian tới, việc quan trọng là chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn, huy động các ban ngành đoàn thể cùng người dân chủ động tham gia tích cực phòng chống bệnh dại. Trong đó, biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó. Vì vi rút dại có trong nước dãi của chó bệnh, xâm nhập cơ thể người qua vết thương, vết xước của người khi bị chó liếm, bị chó cắn, hoặc khi người giết mổ chó bệnh. Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ giúp giảm nguồn lây bệnh cho người.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần phải dự phòng chủ động trước khi bị chó dại cắn cho nhóm người có nguy cơ cao như cán bộ thú y đi bắt chó, tiêm phòng cho chó, người giết mổ chó... GS. TS Nguyễn Trần Hiển  cảnh báo người dân cẩn trọng khi bị chó hoang cắn, vì không theo dõi được tình trạng của chó. Tuy nhiên, chó mắc dại thường chạy lung tung và cắn người đi đường, vì thế chẳng may bị chó cắn người dân tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, người dân cần đặc biệt lưu ý khi bị chó cắn. Theo đó, sau khi bị chó cắn, cần rửa thật sạch vết thương với nước xà phòng, nước muối 0,9%; sát khuẩn vết thương bằng cồn nhằm tránh bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập.  Tiếp đến, người dân đến  cơ sở y tế  để được tư vấn và hoặc tiêm phòng và theo dõi sức khỏe. Không nên đi chữa bệnh ở những thầy lang, với những trường hợp bị cắn ở vùng đầu – mặt – cổ thì cần phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất để tiêm phòng.

Phương An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này