Văn Hậu về nước và câu chuyện định vị lại bóng đá Việt Nam

12:21 | 12/07/2020
(LĐTĐ) Chất lượng cầu thủ Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt trong thời gian qua nhưng để vươn ra biển lớn thì chúng ta còn phải làm rất nhiều việc. Hành trình của Văn Hậu ở Hà Lan là một minh chứng cho điều này.    
Hà Nội FC chính thức lên tiếng về tương lai của Đoàn Văn Hậu
Hà Nội FC sẵn sàng hỗ trợ Heerenveen để Văn Hậu ở lại châu Âu

Về nước sau khi kết thúc hợp đồng cho mượn, Văn Hậu tạm biệt xứ sở cối xay gió với vỏn vẹn 4 phút ra sân cho đội 1 Câu lạc bộ SC Heerenveen. Văn Hậu không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài thi đấu. Trước đó, một loạt cái tên khác như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… hay xa hơn nữa là những gương mặt gạo cội của bóng đá Việt Nam một thời như Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh…

Văn Hậu về nước và câu chuyện định vị lại bóng đá Việt Nam
Văn Hậu sẽ về nước để thi đấu cho Hà Nội FC sau thời gian cho mượn. (Ảnh:SC Heerenveen)

Tính riêng những cầu thủ Việt đã thi đấu ở châu Âu thì Văn Hậu vẫn đứng sau hai người đàn anh Công Phượng và Công Vinh cả về số thời gian thi đấu cho đội 1 lẫn thành tích. Công Phượng có 20 phút đá cho Sint-Truiden khi đội bóng này đối đầu với Club Brugge.

Điểm sáng duy nhất của Văn Hậu so với Công Phượng ở khía cạnh này có lẽ chỉ là bởi cầu thủ người Hà Nội không mắc một sai lầm nào trong những phút ở trên sân và đội bóng của anh đã giành chiến thắng. Trong khi 20 phút thực sự "hít thở bầu không khí bóng đá châu Âu" của Phượng gắn liền với một ký ức buồn khi anh vào sân thì đội nhà đang bị dẫn 0-4 và sau đó nhận thêm 2 bàn thua nữa.

So sánh với hai người đàn em, Lê Công Vinh vẫn là người thành công nhất nơi trời Âu. 3 tháng khoác áo Leixoes SC theo dạng cho mượn từ Câu lạc bộ Hà Nội, Công Vinh đã được thi đấu 3 trận (hai ở giải vô địch Bồ Đào Nha, một ở Cúp quốc gia Bồ Đào Nha), với tổng cộng 176 phút. Ngoài ra tiền đạo xứ Nghệ có một pha lập công giúp Leixoes SC loại Casa Pia ở vòng 3 Cúp quốc gia Bồ Đào Nha.

Vậy vì sao câu chuyện Văn Hậu trở về nước lại thu hút sự chú ý của người hâm mộ đến thế? Lý do có lẽ không nằm chỉ nằm ở mỗi bản thân Văn Hậu mà còn nằm ở những kỳ vọng được đặt lên vai thế hệ của cầu thủ này.

Tên tuổi của hậu vệ sinh năm 1999 thuộc Câu lạc bộ Hà Nội đã gắn liền với hàng loạt chiến tích của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua như ở Vòng chung kết U23 châu Á 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 hay mới đây nhất là SEA Games 2019.

Những thành công liên tiếp đó có được dựa một lứa cầu thủ tài năng, một lứa cầu được lựa chọn, đào tạo bài bản, có chất lượng kỹ thuật và thể chất vượt trội so với nhiều lứa đàn anh trước đó đã khiến người hâm mộ và thậm chí một số lãnh đạo bóng đá Việt Nam kỳ vọng bóng đá nước nhà sẽ đạt tới những cái đích cao xa hơn.

Việc những “viên ngọc quý” như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… rồi Văn Hậu xuất ngoại không chỉ mang theo mục đích cá nhân của mỗi cầu thủ mà phần nào còn gánh trên vai cả mục tiêu quảng bá cho bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên nhìn vào những gì mà các cầu thủ Việt Nam thể hiện khi khoác áo các câu lạc bộ nước ngoài thì lại là một thực tế trái ngược hẳn với những kỳ vọng đó. Thành tích “nghèo nàn” của Công Phượng, Văn Hậu tại những giải vô địch quốc gia Bỉ và Hà Lan chỉ ra một thực tế phũ phàng nhưng cần thiết cho những người làm quản lý bóng đá nước nhà.

Cần lưu ý rằng tại 3 giải đấu hàng đầu lục địa già hiện nay là Ngoại hạng Anh, La Liga hay Bundesliga đều có những cầu thủ châu Á tham gia thi đấu, thậm chí là chiếm một vị trí chính thức trong đội hình 1. Hàn Quốc có quyền tự hào về một Son Hueng-min đang tung hoành ở giải Ngoại hạng Anh, trong khi người hâm mộ Trung Quốc chắc cũng không khỏi hãnh diện vì một Wu Lei sau các màn trình diễn đỉnh cao tại La Liga mùa này.

So sánh thế không phải để “tự ti” mà để nhìn thẳng vào thực tế rằng chất lượng của cầu thủ Việt Nam dù có tiến bộ vượt bậc thời gian gần đây vẫn chưa thể so sánh với mặt bằng chung của những nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á.

Không phủ nhận Văn Hậu hay Công Phượng đã “thu lượm” được khá nhiều trong thời gian thi đấu ở nước ngoài. Trình độ ngoại ngữ, nền tảng thể lực được nâng cao hay sự cọ xát với các đồng nghiệp chuyên môn cao ở các giải đấu châu Âu sẽ giúp ích rất nhiều cho Phượng và Hậu tỏa sáng ở sân chơi trong nước hay đội tuyển quốc gia.

Bản thân những cầu thủ này cũng đã rất cố gắng để tự hoàn thiện bản thân và hòa nhập với môi trường thi đấu ở nước ngoài song để đạt tới tầm vóc của một cầu thủ chuyên nghiệp nơi lục địa già thì Phượng hay Hậu vẫn còn một khoảng cách không nhỏ.

Một điểm thú vị trong “làn sóng xuất ngoại” của các cầu thủ Việt gần đây thì đang tồn tại cùng lúc hai xu hướng. Một chọn những nền bóng đá phát triển ở châu Âu như Công Phượng, Văn Hậu, ngược lại có những cầu thủ chọn một quốc gia có trình độ gần tương đương với Việt Nam là Thái Lan như Xuân Trường, Văn Lâm. Xứ sở chùa Vàng từ lâu đã là “một đại kình địch” của bóng đá Việt Nam trong khu vực, nhưng Xuân Trường và Văn Lâm lại đã có những thành công nhất định khi thi đấu ở mảnh đất này.

Trường "híp" để lại dấu ấn nhất định trong thời gian khoác áo Buriram United và nếu không phải cầu thủ người Tuyên Quang là tác giả đường chuyền giúp Anh Đức ghi bàn đánh bại Thái Lan ở King’s Cup thì Câu lạc bộ này chưa chắc đã chấm dứt hợp đồng với tiền vệ Việt Nam. Trong khi đó, Văn Lâm đã liên tục thể hiện được sự xuất sắc của mình khi khoác áo Muangthong United, thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga thực sự đã có một mùa giải 2019 thành công cùng đội bóng Thái Lan.

Việc một cầu thủ thành công trong màu áo câu lạc bộ này nhưng khi chuyển tới một môi trường thi đấu khác thì hoàn toàn mờ nhạt không phải là điều hiếm thấy trong bóng đá hiện đại. Trường hợp những ngôi sao hàng đầu thế giới như Coutinho, Dembele... từ "bom tấn" hóa "bom xịt" là một mình chứng rõ ràng nhất.

Tuy nhiên nếu nhìn vào những cầu thủ Việt xuất ngoại thời gian gần đây thì có lẽ việc lựa chọn câu lạc bộ để chơi là một trong những yếu tố quyết định. Lâm "Tây" đã có một quyết định đúng đắn khi chọn Thai League để phát triển sự nghiệp chứ không "với cao" tới trời Âu. Một môi trường bóng đá có trình độ gần tương đương với Việt Nam sẽ dễ dàng để hòa nhập hơn những giải vô địch ở châu Âu vốn được đánh giá cao hơn V-league rất nhiều.

Với tất cả những điều trên có lẽ đủ để khẳng định bóng đá Việt Nam dù với những thành công liên tiếp vừa qua vẫn chưa thể san bằng khoảng cách với các nền bóng đá hàng đầu châu lục. Để hiện thực hóa giấc mơ tới vòng chung kết World Cup chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong đó một công tác quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng cầu thủ.

Công tác đào tạo không chỉ nằm nơi các học viện bóng đá mà còn cần tiếp tục ở mỗi câu lạc bộ để những cầu thủ Việt có thêm cơ hội hoàn thiện bản thân. Một viên ngọc thô chỉ tỏa sáng và có giá trị nếu nó được mài giũa cẩn thận, cầu thủ dù tài năng song vẫn cần có đó một môi trường bóng đá chuyên nghiệp để phát triển.

Định vị lại vị trí của nền bóng đá nước nhà là điều cần thiết vào lúc này để giúp chúng ta hướng tới những mục tiêu cao xa hơn. Cần biết rõ mình đứng ở đâu thì mới biết được chính xác con đường để đi tới đích sẽ lâu dài và gian nan tới mức độ nào.­­­­­­­­

Bình Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này