Thêm 6 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tiết kiệm cả đôi đường

11:55 | 02/07/2020
(LĐTĐ) Ngày 1/7/2020, Văn phòng Chính phủ công bố bổ sung thêm 5 dịch vụ công thiết yếu được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đó là dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; cấp mới, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp mức độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông; nộp phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông.
Phát hiện trục lợi, khai gian gói hỗ trợ Covid-19 nhờ Cổng dịch vụ công quốc gia
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm

Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ cung cấp tính năng giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

0417 huong dan dang ky tai khoan tren cong dich vu cong quoc gia 17 4
Từ 1/7/2020 có thể thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục.

Bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần; hơn nữa, giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Từ đó giúp loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.

Dịch vụ đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại để đóng tiền theo định kỳ. Với việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia dịch vụ đăng ký, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tháng 7, nhóm dịch vụ này sẽ giúp người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có 614.650 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu thực hiện đóng bảo hiểm xã hội trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm khoảng hơn 209,5 tỷ đồng/năm.Điều quan trọng hơn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi chỉ gần 16,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (gồm cả bắt buộc và tự nguyện). Như vậy, với những tiện tích trong đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Dịch vụ gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý ủy nhiệm thu.

Cũng theo thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay có hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Nếu chỉ 50% số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hàng năm khoảng hơn 724,6 tỷ đồng/năm.

Dịch vụ đổi giấy phép lái xe từ mức độ 3 lên mức độ 4 trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an sẽ thực hiện thí điểm từ 1/7.Nơi thực hiện thí điểm gồm có: Tổng cục Đường bộ, TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, với 3 bệnh viện ở Hà Nội (Giao thông vận tải, E và Đa khoa Hà Đông) và 8 bệnh viện, trung tâm y tế ở Hà Nam (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Lý; các Trung tâm y tế huyện: Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Thị xã Duy Tiên và Trung tâm giám định y khoa tỉnh).

Với số liệu tính toán ngay từ giai đoạn khai trương, nếu đưa dịch vụ này triển khai toàn quốc mức độ 4 phục vụ trung bình khoảng hơn 965 nghìn lượt người thực hiện hàng năm, ước tính số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 khoảng hơn 323,9 tỷ đồng/năm.

Dịch vụ nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến cũng được thực hiện mở rộng từ hôm nay. Cụ thể, dịch vụ này sẽ được thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông, thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.

Thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn với khoảng hơn 16 nghìn lượt tra cứu, thực hiện. Lực lượng cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11 nghìn dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến.Tuy nhiên, số lượng thực hiện nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp do nhiều nguyên nhân như: Phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp (chỉ phạm vi xử lý của cấp Phòng trở lên của 5 địa phương đối với xử phạt của Cảnh sát giao thông và các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ của Thanh tra giao thông); cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến,…

Mỗi tháng có khoảng 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến 29/6/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 179.000 tài khoản đăng ký, tăng hơn gấp 2 lần so với quý I.Trong quý II có hơn 46,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ, cũng tăng gấp 2 lần so với quý I, tương ứng mỗi tháng có khoảng 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.Hiện nay đã có hơn 10,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 154.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, tăng gấp 11 lần so với quý I. Trung bình mỗi tháng Cổng tiếp nhận, xử lý hơn 46.000 hồ sơ trực tuyến.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đưa vào vận hành từ tháng 3. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, hệ thống đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố với hơn 2.100 lượt giao dịch thành công. Số giao dịch này sẽ tiếp tục tăng khi số lượng các bộ, địa phương và số lượng dịch vụ công tích hợp thanh toán trực tuyến tăng.Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã tiếp nhận, xử lý hơn 6.700 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 15.100 cuộc gọi tới tổng đài.

Sau thời gian đưa vào vận hành, với dấu mốc là dịch vụ tích hợp số 725, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020 (tháng 12/2019 là 8 dịch vụ và tháng 3/2020 là 161 dịch vụ), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến. “Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được công bố ngày hôm nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này