Từ ngày 1/7, người dân có thể “kích chuột” chứng thực bản sao từ bản chính

20:48 | 01/07/2020
(LĐTĐ) Từ hôm nay (1/7), dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ triển khai đồng loạt trên toàn quốc và là bước tiến lớn khi bản sao điện tử được chứng thực có giá trị như bản chính.
Chứng thực bản sao điện tử từ 1/7, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng/năm
Chỉ 4 trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền
Quy định về chữ ký số và chứng thư số

Thủ tục nhanh gọn

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là dịch vụ được doanh nghiệp người dân rất quan tâm.

Để triển khai dịch vụ này, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính đã tổ chức các cuộc họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và VNPT để làm rõ về quy trình nghiệp vụ và phân quyền tham gia trong quá trình thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, tuân thủ các quy định được quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về chứng thực.

0200 cong dich vu cong qu

Giao diện đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn. (Ảnh T.Vương)

Nói về quy trình thực hiện chứng thực điện tử, ông Ngô Hải Phan cho biết, sau khi người dân gặp cơ quan có thẩm quyền chứng thực (trực tiếp) và cung cấp bản chính hợp lệ, cơ quan thực hiện chứng thực kiểm tra (nghiệp vụ về chứng thực) và sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để nhập lời chứng, ký số, đóng dấu theo thẩm quyền và trả cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ lời chứng, chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (kho quản lý dữ liệu điện tử) hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản.

Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính khác có sử dụng bản sao điện tử được chứng thực chỉ cần dẫn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử hoặc đăng tải file đã nhận. Cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra tính chính xác, toàn vẹn qua ứng dụng trên hệ thống.

Đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục.

Bản chứng thực điện tử có giá trị như bản chính

“Rất nhiều tiện ích thu lại khi triển khai dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia”, ông Ngô Hải Phan cho biết.

Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.

Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.

“Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm”, ông Ngô Hải Phan cho biết.

Đối với các cơ quan, thực hiện toàn bộ quy trình cấp bản sao chứng thực từ bản chính trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm bản sao chứng thực được cấp ra là có đầy đủ các thông tin theo quy định, thống nhất về hình thức.

Bên cạnh đó, dùng chung dịch vụ thống nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, không cần xây dựng, cung cấp dịch vụ trên các hệ thống của bộ, ngành, địa phương, từ đó triển khai nhanh và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng dịch vụ.

Cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong quá trình tiến tới xã hội số, nền kinh tế số, đẩy mạnh giao dịch điện tử thì việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính rất quan trọng bởi thay vì truyền thống chứng thực bản sao cấp kết quả giấy thì sẽ sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cấp bản sao điện tử, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Ngọc Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này