Bộ Y tế cảnh báo dịch Ebola tràn vào Việt Nam

16:51 | 04/08/2014
LĐTĐ -Từ cuối năm ngoái đến nay, dịch bệnh do virus Ebola đã khiến gần 1.400 người mắc, trong đó quá nửa đã tử vong chỉ tại 4 quốc gia Tây Phi. Trước tình hình đó, Bộ Y tế có công văn khẩn do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký gửi UBND các tỉnh thành.

Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi

Virus Ebola gây thành dịch đầu tiên trên thế giới tại Sudan năm 1976 với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay, dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Từ tháng 12/2013 đến 30/7/2014 thế giới đã ghi nhạn 1.323 người mắc vi rút Ebola, trong đó có 729 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi ( Guinea, Leberia, Siera Leone và Nigeria), riêng  trong 8 ngày ( từ 24- 317/2014) đã có 122 người mắc trong đó 57 người tử vong. Tới nay, dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola – không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh thành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Sở Y tế các tỉnh thành phố cũng chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị vi rút Ebola…Có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân…

Được biết, bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao tới 90%. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thì vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, vi rút lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới. Ngoài ra, vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Người mắc bệnh do vi rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…)

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.

- Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.

- Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.

Theo WHO, chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola. Hiện tổ chức này chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế.

N.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này