Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô

11:47 | 30/06/2020
(LĐTĐ) Dẫu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng 6 tháng năm 2020, kinh tế thành phố Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Và trong 6 tháng cuối năm, Thành phố đề ra nhiều giải pháp, biện pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng.
Đại dịch Covid-19 đã chứng minh sức bền của kinh tế Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tập trung nghiên cứu giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô

Kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, từ tháng 5, sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, các chỉ tiêu tăng cao so với tháng trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,39%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của Thành phố.

5625 cauvuotnguyenvanhuyen 15920159 1622 7591 1592035549
Đẩy nhanh nguồn vốn đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng (ảnh Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt có tổng mức vốn đầu tư 560 tỷ đồng dự kiến được đưa vào vận hành dịp lễ Quốc khánh 2/9) Ảnh: Tin tức

Tuy nhiên, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, mức tăng đạt được là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố và mức chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,5% (cùng kỳ tăng 7,4%), trong đó: Chế biến chế tạo tăng 3,3%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 6,1%; Cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%; khai khoáng giảm 11,8%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 10%); tổng mức bán lẻ tăng 0,5%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 9,2%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân ước tăng 3,68% (cùng kỳ tăng 4,1%). Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%, trong đó khách quốc tế giảm 68,8%; tổng thu từ du lịch giảm 61,5%; công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) - năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng ước đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 12,02%).

Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3%, tổng dư nợ tăng 2,8%. Có 12.649 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tuy giảm 7% về số lượng nhưng tăng 5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Triển khai tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác và phát triển” (ngày 27/6) ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội.

Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 124.843 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán, giảm 3,4% cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5% cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên 19.374 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 1,2% cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư toàn Thành phố 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao; trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao.

Hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm

Cũng theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, 6 tháng cuối năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. So với thời điểm cuối năm 2019, bối cảnh tình hình đã thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tính đến 17h ngày 25/6/2020, số người được phê duyệt hỗ trợ là 11.575 người với kinh phí 11.764,6 triệu đồng, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xét duyệt và chi trả hỗ trợ cho các đối tượng. Còn tính đến 20/5/2020, theo tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện, thị xã, Thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng: 76.630 người, với số tiền 114,8 tỷ đồng (bao gồm, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 51.332 người; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là 965 người; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 24.339 người).Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: 171.143 người, với số tiền 256,1 tỷ đồng; Nhân khẩu thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố: 20.891 người, với số tiền 15,7 tỷ đồng; Nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố: 116.852 người, với số tiền 87,6 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả toàn Thành phố đạt 99.97%, làm tròn là 100%. Còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020, cụ thể: Kịch bản 1: Tăng trưởng Quý III đạt 7,8%, Quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%). Kịch bản 2: Tăng trưởng Quý III đạt 6,9%, Quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

6 tháng cuối năm 2020, thành phố triển khai tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy và HĐND Thành phố. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục cắt giảm thời gian các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.

Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này